Sử dụng than vượt quy định
Qua tìm hiểu được biết, do khu đất Bãi Bầu, thôn Nội Lưu rộng 9.488m2 cấy lúa không hiệu quả nên năm 2004, UBND xã Lưu Hoàng ký hợp đồng cho ông Thực thuê 20 năm (2004 - 2024) để trồng cây ăn quả. Nhưng năm 2003, ông Thực chuyển sang đầu tư xây dựng lò gạch thủ công gây ảnh hưởng cho cây trồng ở xung quanh nên nhiều lần đã phải bồi thường thiệt hại cây trồng, hoa màu cho các hộ dân.
Lò gạch của ông Thực hoạt động trên đất thuê trái luật đang thường ngày gây ô nhiễm môi trường.
|
Nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 29/6/2010 của UBND TP Hà Nội về việc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm, đồng thời từng bước chuyển đổi sang mô hình lò gạch công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ngày 5/3/2012, UBND huyện Ứng Hòa có Văn bản số 57/UBND chấp thuận cho ông Thực triển khai thí điểm mô hình đun đốt gạch tuynel công nghệ lò vòng Hoopman thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, từ ngày lò gạch hiện đại hoạt động đến nay, ông Thực luôn cho tỷ lệ than vượt quá quy định nên khi đốt gạch thường tạo ra mùi than lẫn trong khói, nhất là những lúc có mưa hoặc gió quẩn khiến mùi than từ lò gạch bạt xuống khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ dân thôn Thanh Bồ và Nội Lưu.
Để kiểm chứng thông tin, cuối tháng 12/2015, phóng viên đã đến xã Đội Bình, xác định việc ông Thực sử dụng than vượt quy định mỗi khi đốt gạch nên đã tạo ra mùi than nồng nặc gây ảnh hưởng cho người dân quanh khu vực. Đồng thời còn phát hiện thêm việc UBND xã Đội Bình ký hợp đồng cho ông Thực thuê đất 20 năm là trái luật.
Cơ quan chức năng “vênh” quan điểm?
Chủ tịch UBND xã Lưu Hoàng Vũ Văn Chiến thừa nhận, thông tin phóng viên phản ánh về khu lò gạch hiện đại của ông Thực được UBND xã ký hợp đồng cho thuê đất trái luật và sử dụng quá nhiều than mỗi khi đốt gạch gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến các hộ dân ở liền kề là có cơ sở. Ông Chiến cho rằng: Việc ký hợp đồng cho thuê đất là do lãnh đạo UBND xã nhiệm kỳ trước ký. Gần đây, khi kiểm tra lại các hợp đồng cho thuê đất mới phát hiện địa phương đã ký cho ông Thực thuê đất 20 năm là sai. Do vậy, UBND xã đang tính toán, thống nhất với chủ lò gạch ký lại hợp đồng theo đúng quy định.
Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Ứng Hòa Đặng Viết Hùng cho biết, hàng năm Đội cùng Phòng TN&MT tổ chức 2 lần đi kiểm tra hoạt động của lò gạch trên địa bàn. Qua đó, xác định ông Thực đã sử dụng than vượt quá tỷ lệ cho phép mỗi khi đốt gạch nên tạo ra mùi than nồng nặc gây khó thở cho người dân là đúng. Trên cơ sở thực tế tại hiện trường là vậy, nhưng ngược lại, theo kết quả của đơn vị đánh giá quan trắc môi trường thì khói lò gạch của ông Thực nằm trong ngưỡng cho phép, không gây ô nhiễm môi trường cũng như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. “Tuy nhiên, cứ mỗi khi đốt gạch, mùi than lại nồng nặc quanh khu vực nên tôi đã nhiều lần đề nghị Phòng TN&MT phải giới thiệu đơn vị có đủ năng lực để đánh giá quan trắc môi trường cho khách quan, trong đó có việc đo nồng độ khói thải của các lò gạch. Không được mời đơn vị không đủ tư cách pháp nhân tham gia đo nồng độ khói thải, như vậy sẽ không khách quan, dễ gây bức xúc cho người dân và cán bộ, nhưng Phòng TN&MT vẫn bỏ ngoài tai” - ông Hùng nói.
Để làm rõ thêm nội dung này, phóng viên đã liên hệ đến Phòng TN&MT huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, cán bộ Phòng TN&MT cho rằng, do chưa có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện nên từ chối trả lời và hẹn... để dịp khác (!?).