Lỡ hạn chót 1/3, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ biến năm 2019 thành viễn cảnh tồi tệ ra sao?

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng tác động rõ rệt với các nền kinh tế toàn cầu vào năm 2019.

Trong khi năm 2018 đánh dấu chiến tranh thương mại nổ ra, năm 2019 sẽ là thời điểm nền kinh tế toàn cầu cảm nhận tác động từ sự kiện này.

Công cụ Theo dõi Thương mại Toàn cầu của Bloomberg cho thấy các hoạt động thương mại đang hạ nhiệt trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu bị giảm dần trước những vòng thuế quan bị siết chặt giữa Mỹ và Trung Quốc. Và khối lượng được cho là còn tiếp tục chững lại ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc tìm cách giải quyết vấn đề thương mại giữa hai bên, do cộng đồng doanh nghiệp đã nâng cao cảnh giác về nguy cơ gián đoạn sắp tới.

 

Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã bắt đầu “thấm” nhiệt. Tập đoàn GoPro cho biết sẽ  chuyển phần lớn chuỗi sản xuất máy ảnh khỏi trụ sở Trung Quốc vào mùa hè tới. Đây là một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử nổi tiếng đầu tiên thực hiện bước đi này,  trong khi Tập đoàn FedEx gần đây đã cắt giảm dự báo lợi nhuận và khả năng vận tải hàng không quốc tế.

Theo Hamid Moghadam, giám đốc điều hành của Tập đoàn Prologis có trụ sở tại San Francisco, sở hữu gần 4.000 cơ sở logistics toàn cầu, nền kinh tế thế giới có khả năng chững lại trước những hệ lụy của cuộc chiến thương mại.

Thị trường tài chính cũng đã đối diện với những ảnh hưởng nhãn tiền. Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ ước tính rằng thông tin liên quan tới chiến tranh thương mại “chịu trách nhiệm” cho tỷ trọng 6% lao dốc của S&P500 trong năm nay. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã “bốc hơi” khoảng 2 nghìn tỷ USD trị giá trong năm 2018 và đang suy yếu với viễn cảnh kém lạc quan.

Dữ liệu gần đây nhấn mạnh mối lo ngại rằng thương mại sẽ là lực cản đối với tăng trưởng của Mỹ trong năm tới. Người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy ít lạc quan nhất về nền kinh tế trong năm 2019, trong khi sự lạc quan của khối DN quy mô nhỏ về phục hồi kinh tế đã giảm xuống mức thấp trong hai năm, cũng như dự kiến ​​lợi nhuận sẽ tăng ở mức thấp hơn trong năm 2019.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lượng giao dịch thương mại toàn cầu sẽ giảm 4% trong năm 2019 từ mức 4,2% trong năm nay và 5,2% trong năm 2017, đồng thời cảnh báo rằng các rào cản thương mại đã trở nên rõ rệt hơn.

Châu Âu cũng không thoát khỏi vòng xoáy này. Trong khi ngành máy móc thiết bị then chốt của Đức dự kiến đạt mức kỷ lục 260 tỷ USD trong năm 2018,  viễn cảnh tranh chấp thương mại kéo dài dự kiến sẽ khiến ngành công nghiệp này chững lại đà tăng trưởng. Sản lượng ngành dự kiến tăng 5% trong năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2011, trước khi tăng trưởng chững lại còn 2% vào năm tới.

Kế đó là rủi ro từ việc Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu ô tô từ Châu Âu và Nhật Bản, một động thái sẽ làm tổn thương quan hệ giữa một các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu vừa qua cũng cho thấy sức bùng nổ và ảnh hưởng nhanh chóng với thị trường toàn cầu từ một vụ việc phát sinh.

Câu hỏi quan trọng là liệu Washington và Bắc Kinh có thể đạt một thỏa thuận trước hạn chót ngày 1/3 sắp tới hay không. Nếu hai bên thành công, "đám mây đen" sẽ tan khỏi "bầu trời" kinh tế thế giới. Nhưng hiện tại, mối đe dọa rằng căng thẳng giữa hai nước sẽ kéo dài trở thành "chiếc phanh" cho các kế hoạch mở rộng kinh doanh cũng như nền kinh tế toàn cầu.

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần