Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗ hổng trong phòng chống dịch tại nhiều doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh

Văn Đạo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/7, Tổ công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp khảo sát và chỉ ra nhiều lỗ hổng trong phòng chống dịch tại một số DN TP Hồ Chí Minh cần phải khắc phục ngay.

Cán bộ y tế nhưng chưa hiểu qui định phòng chống dịch

Tại một số DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu như: Mỳ ăn liền; nước uống; nhu yếu phẩm…đã cơ bản bố trí cho công nhân vừa sản xất vừa lưu trú tại chỗ. Việc thực hiện 5K được áp dụng tốt. UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn 2337/UBND-TH chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: Sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Đồng thời đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: Chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Tuy nhiên, qua làm việc với một số DN, khu cách ly tại huyện Bình Chánh, Tổ công tác nhận thấy còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Theo đại diện UBND huyện Bình Chánh, huyện đã điều tra, truy vết nhanh các trường hợp F0, thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và mẫu RT-PCR. Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần. Bình Chánh cũng đã có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm tại từng hộ gia đình, tổ chức, điều phối công tác lấy mẫu theo khu vực nguy cơ.
 Tổ công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng dịch tại Công ty TNHH may thêu giày.

Trên địa bàn huyện có 4 khu công nghiệp. Việc quản lý dân cư, nhất là lượng công nhân cũng có nhiều khó khăn vì họ đến từ nhiều vùng, miền khác nhau. Ở một số địa bàn còn có hiện tượng chủ quan.

Tại một công ty TNHH may thêu giày, Tổ công tác cùng lãnh đạo huyện Bình Chánh đã kiểm tra kỹ khu ăn, khu nghỉ, nhà vệ sinh, phòng y tế của DN. Đại diện DN này cho biết đã có F0 là lao động của DN, từng ở trong DN. Trước vấn đề cấp bách này, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, thành viên Tổ công tác của Bộ Y tế vạch ra giải pháp: Có F0 đã ở với đông đảo lao động trong 3 ngày. Tổng cộng đã có 4 F0 (2 ca phát hiện ngày 12/7 và 2 ca ngày 17/7), cần thì khẩn trương xét nghiệm sàng lọc tất cả hơn 220 công nhân đang làm việc trong công ty. Nếu không dịch sẽ lây lan nhanh ra, ảnh hưởng sẽ lớn hơn. Đặc biệt, DN bố trí nhà vệ sinh chung cho nhiều người cùng dùng như vậy cũng chưa hợp lý. Cùng với đó, các F1 được quản lý trong công ty phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Quản lý phòng y tế của Công ty may thêu giày chưa nắm rõ được việc quản lý ca bệnh hay F1, cho biết rằng: Nếu có F0 hay người khác có triệu chứng trong DN thì cũng chỉ cặp nhiệt độ rồi cho về phòng nghỉ trong phân xưởng.

Về vấn đề này, ông Sơn nhấn mạnh: Như vậy là rất nguy hiểm, cán bộ y tế trong DN cần phải nắm vững các đường dây nóng về phòng, chống dịch. Khi có công nhân khó thở, ho, nghi ngờ nhiễm Covid-19 cần đưa đến phòng cách ly tạm thời. Sau đó liên hệ ngay với đường dây nóng của ngành y tế địa phương yêu cầu đến test nhanh hoặc xét nghiệm PCR vì biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh.

Phải kết nối để nắm bắt kịp thời

Tại một số DN hay khu cách ly khác, Tổ công tác của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh: Giữa các đơn vị, bộ quản lý khu cách ly, các bệnh nhân là F0 phải lập kênh kết nối với nhau để nắm bắt các thông tin về dịch bệnh một cách kịp thời nhất.

Tại Công ty sản xuất dây cáp điện, Tổ công tác lưu ý phải thường xuyên khử khuẩn các phòng nghỉ của công nhân, người lao động, yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm các quy định 5K. Đề nghị DN thành lập ngay Tổ Covid-19 trong DN để thường xuyên đi đo nhiệt độ hàng ngày cho công nhân, nhắc nhở tuân thủ phòng dịch.

Đến Khu cách ly tập trung F1 và thu dung, điều trị F0 của Bình Chánh (ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B, hiện đang điều trị, theo dõi hơn 240 F0 và cách ly trên 60 F1), Tổ công tác yêu cầu các cán bộ làm nhiệu vụ tại đây cần lập các group để kết nối các bệnh nhân với nhau. Khi nào có bất thường, phải nắm bắt và xử lý ngay. Đặc biệt, các bệnh nhân F0 có triệu chứng khó thở phải liên hệ với cơ quan y tế Bình Chánh, lãnh đạo huyện Bình Chánh để có phương án chuyển lên tuyến điều trị cao hơn.