Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại biến chủng mới dịp Tết Nguyên đán

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xuất hiện chủ yếu tại Anh đang khiến thế giới lo lắng vì sự nguy hiểm của nó. Theo các nhà khoa học, biến thể mới có 23 khác biệt so với virus SARS-CoV-2 ban đầu. Trong đó có nhiều thay đổi liên quan đến cơ chế virus liên kết và xâm nhập tế bào.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy hiểm
Theo nghiên cứu công bố của Cơ quan Y tế công cộng Anh, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mới dường như không gây ra bệnh nặng hơn các biến thể khác nhưng có thể lây lan nhanh hơn.
Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã so sánh 1.769 người bị nhiễm biến thể mới với 1.769 người mắc virus cũ mà họ gọi là “loại hoang dã”. Hai nhóm được đối sánh 1: 1 dựa trên độ tuổi, giới tính, khu vực cư trú và thời gian thử nghiệm. Theo nghiên cứu, trong số 42 người nhập viện thì có 16 người bị nhiễm virus biến thể mới, còn 26 trường hợp bị nhiễm virus cũ. Về tỷ lệ tử vong, có 12 trường hợp tử vong trong các trường hợp nhiễm biến thể mới so với 10 trường hợp tử vong ở các trường hợp nhiễm virus cũ.
Theo đó, kết quả sơ bộ từ nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong trong 28 ngày giữa các trường hợp có biến thể và trường hợp so sánh. Nghiên cứu cũng cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về khả năng tái nhiễm với biến thể mới so với các biến thể khác. Tuy nhiên, “tỷ lệ tấn công thứ cấp”, hay tỷ lệ tiếp xúc của các trường hợp được xác nhận tự phát bệnh cao hơn ở những người bị nhiễm biến thể mới.
 Lo ngại ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng mới.
Theo TS Maria Van Kerkhove-Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục có biến thể mới vì đây là một quá trình tự nhiên. "Chúng tôi cần phải tiếp tục nghiên cứu những biến thể này, cụ thể là về phương diện lây truyền của chúng. Đồng thời, WHO sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và phối hợp hành động nghiên cứu với các nhà khoa học trên khắp thế giới"- TS Maria Van Kerkhove cho hay.
Trong khi đó, ông Mike Ryan-Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cho rằng, thế giới không nên quá hoang mang về biến thể virus mới ở Anh, bởi công cụ mới để theo dõi virus đang phát huy hiệu quả. Điều rất quan trọng là các quốc gia phải minh bạch thông tin, thông báo với người dân và coi quá trình tiến hóa của virus là điều bình thường.
Lo ngại ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng mới
Tại Việt Nam, ngày 2/1, Bộ Y tế thông tin về bệnh nhân đầu tiên nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể mới và có đột biến. Đó là BN1435 (nữ, 45 tuổi, trú tại Trà Vinh) từ Anh về Việt Nam ngày 22/12/2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh. Đây là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời, chủng virus gây bệnh cho BN1435 cũng có đột biến D614G - chủng lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.
Các chuyên gia khẳng định, ca bệnh này không gây nguy hiểm cho cộng đồng vì được cách ly tốt. Tuy nhiên, biến chủng mới gây nhiều lo ngại trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán. Công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo các nhà khoa học, biến thể mới có 23 khác biệt so với virus SARS-CoV-2 ban đầu. Trong đó có nhiều thay đổi liên quan đến cơ chế virus liên kết và xâm nhập tế bào.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận có tốc độ và khả năng lây lan rất nhanh, nhất là khi nó xuất hiện trong cộng đồng. Khi một cộng đồng có nhiều người cùng mắc bệnh, khả năng họ vào bệnh viện và lây nhiễm tại đây rất cao. Trong khi đó, bệnh viện là nơi khá nhạy cảm, nhiều bệnh nhân nặng, miễn dịch kém. Khi biến chủng này xuất hiện trong bệnh viện, công tác kiểm soát và điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, người dân cần bình tĩnh, chủ động tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch như trước đây đã và đang thực hiện. “Việc phát hiện biến chủng của virus SARS-CoV-2 phải được trải qua công tác giải trình tự gene từ cơ quan chuyên trách như Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư (Hà Nội) hay Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Nếu kết quả giải trình gene phù hợp, cơ quan này sẽ thông báo về địa phương để có sự điều chỉnh trong quản lý, theo dõi bệnh nhân phù hợp”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Chuyên gia cũng cho rằng, nguy cơ hiện tại của Việt Nam là trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu không được cách ly ngay, khả năng những người này làm dịch lây lan trong cộng đồng rất cao, đặc biệt là khi họ nhiễm bệnh bởi biến chủng của SARS-CoV-2 mà không được phát hiện.
Liên quan đến biến thể của virus SARS-CoV-2, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết, biến thể mới làm tăng khả năng lây lan tới 70%. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy, thời gian ủ bệnh của người nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngắn hơn, khởi phát sớm hơn, khả năng bám dính bề mặt lớn hơn... nhưng chưa có dấu hiệu về biến thể mới tồn tại lâu hơn, gây triệu chứng bệnh nặng hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hiện nay, 100% bệnh viện đã tự thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch, nhưng đối với phòng khám tư nhân, y tế cơ sở tỷ lệ này chưa tới 27%. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra sâu sát hơn; đồng thời tăng cường năng lực phát hiện của các cơ sở y tế để phát hiện sớm ca nhiễm, khoanh vùng, dập nhanh, gọn.
Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt chẽ đường biên giới trên bộ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
“Cùng với lực lượng biên phòng, công an cửa khẩu, đơn vị cũng cần phát huy trách nhiệm của cơ sở, người dân ở vùng biên. Thực tiễn cho thấy có rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép vào được chính quyền, người dân địa phương phát hiện vận động để thực hiện các quy định về cách ly. Những trường hợp không tự nguyện thì người dân báo cáo với cơ quan chính quyền để xử lý. Đặc biệt, chính quyền phải kiên quyết xử lý những trường hợp nhập cảnh trái phép và đối tượng tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép. Còn với người nhập cảnh hợp pháp, Ban chỉ đạo quốc gia yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh công tác cách ly”- Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Sau một thời gian dài an toàn không có ca nhiễm cộng đồng thì dễ xuất hiện tâm lý nơi lỏng, chủ quan. Vì vậy, trong nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, quan trọng nhất là các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch phải được nâng lên một mức. Từ lực lượng chuyên trách phòng chống dịch đến toàn thể hệ thống trong cả nước, các DN và người dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, khuyến nghị của ngành y tế. Cả xã hội cùng sẵn sàng chống dịch, quyết tâm giữ thành quả chống dịch để Nhân dân đón tết an toàn, ấm cúng, vui tươi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.