Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại nợ công vượt giới hạn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu chính thức của Chính phủ, nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2013 là 54,1% GDP, dự kiến đến 31/12/2014, con số này bằng 60,3% GDP.

Mới đây, Chính phủ cũng  đưa ra kiến nghị "xem xét dành một phần chi ngân sách Nhà nước (NS) để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)". Điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về  nợ công Việt Nam có thể vượt “giới hạn đỏ” (65% GDP).

Áp lực nợ công tăng cao

Chính phủ đang đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sử dụng NSNN để xử lý nợ xấu của DNNN nhằm khơi thông luồng tín dụng đang đóng băng trong nền kinh tế. Theo các chuyên gia, đề nghị này là vô cùng khó khăn khi NSNN đang rất eo hẹp, nhất là các DNNN đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Nợ công tăng, trong khi thu ngân sách những năm gần đây không mấy khả quan đang tạo áp lực trả nợ không nhỏ. 	 Ảnh: Tuyết Minh
Nợ công tăng, trong khi thu ngân sách những năm gần đây không mấy khả quan đang tạo áp lực trả nợ không nhỏ. Ảnh: Tuyết Minh
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong một báo cáo công bố hồi cuối năm 2013 cho thấy, đến cuối năm 2012, nợ xấu của DNNN (chưa tính Vinashin) chiếm gần 15% tổng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. Các chuyên gia tính toán, tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực DNNN sẽ khoảng hơn 73.000 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại, trong bối cảnh thâm hụt NS tăng trở lại, khả năng hỗ trợ của NS để giảm nợ cho khu vực Nhà nước thực sự là một bài toán nan giải. Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng đưa ra cảnh báo: Nếu Nhà nước đứng ra gánh hộ nợ cho các DNNN làm ăn không hiệu quả thì chắc nợ công sẽ tăng lên.

Ở khía cạnh khác, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định, điều này không có gì ngạc nhiên bởi trước đây, nhiều lần Chính phủ, Bộ Tài chính tuyên bố nợ DNNN tự vay, tự trả song thực tế NS đã phải trả cho nhiều dự án đầu tư của những DN này. Theo ông Phong, về lý thuyết, DNNN hành động vì lợi ích công cho nên các khoản nợ của DNNN do thất thoát, thua lỗ… thì NS quốc gia phải gánh chịu. Tuy nhiên, cũng cần phải tách bạch cụ thể các khoản nợ của DNNN làm nhiệm vụ chính trị công ích với DNNN kinh doanh thuần túy thị trường. Cần có khảo sát đánh giá, phân tích. Với những khoản này thì DN phải tự lo chi trả. 

Cần giám sát toàn diện về nợ công

Mới đây nhất, báo cáo của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/10 cho thấy, với mức bội chi NSNN năm 2014 bằng 5,3%, dự kiến nợ công tính đến 31/12/2014 bằng 60,3% GDP và đến hết năm 2015, nợ công ước bằng 64% GDP. 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phân tích, có 3 nguy cơ của nợ công Việt Nam. Thứ nhất, tốc độ tăng nợ vay cao, hiện đã đến mức vay để trả nợ, chứ không phải vay để sản xuất rồi bán đi lấy tiền trả nợ. Thứ hai, trong cơ cấu nợ công của Việt Nam, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, nên áp lực trả nợ gay gắt và ngày càng tăng cao. Thứ ba, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NS hàng năm đã vượt mức quy định là 25%, năm 2014 ước đạt 25,9% và sang năm 2015 dự kiến ở mức 31,9%. Năm 2015, Chính phủ dự kiến chi trả nợ và viện trợ 150.000 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng chi NS và tăng 25% so với dự toán chi năm 2014. 

Ông Trần Đình Thiên bình luận, Chính phủ đã chính thức đề nghị xem xét dùng một phần chi NS để trả nợ xấu cho các DNNN. Đây cũng có thể xem là một cách "ứng xử" mới với nợ công. Do vậy, nếu cộng cả số này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu… thì nợ công của Việt Nam hiện nay đã vượt quá trần nguy hiểm.

Các chuyên gia lo ngại, thâm hụt NS kéo dài, nợ của chính quyền địa phương có phần bị buông lỏng và đặc biệt là sự thua lỗ của nhiều DNNN trong những năm qua, ngoài việc gây ra những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, trong dài hạn còn có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh  tế vĩ mô. Bởi vậy, giám sát toàn diện về nợ công, xây dựng phương án, giải pháp xử lý đã trở nên rất cấp thiết. Đó là siết chặt kỷ luật tài khóa, sử dụng vốn vay hiệu quả, giảm quy mô khu vực kinh tế Nhà nước, xóa bỏ đặc quyền của DNNN, cùng với các cải cách thể chế khác và đặc biệt nếu như không muốn nợ của khu vực DNNN trở thành mối đe dọa thực sự đối với an toàn nợ công quốc gia trong tương lai thì tiến trình cổ phần hóa và cải cách khu vực này cần phải được tiến hành một cách thực chất thay vì hình thức.