Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại tuyển sinh “vơ bèo, vạt tép”

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi mùa tuyển sinh, các trường đại học (ĐH) lại sử dụng những chiêu thức tuyển sinh (TS) khác nhau để thu hút thí sinh. Thực tế, có trường hạn chế cơ hội đăng ký nguyện vọng của thí sinh khi tuyển thẳng, yêu cầu xác nhận nhập học trước thời gian quy định, công bố kết quả trúng tuyển trước khi được xét tốt nghiệp...

 Tư vấn xét tuyển 2019 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng 21/7. Ảnh: Mạnh Dũng
Lo ngại cạnh tranh

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH là 489.637; chỉ tiêu xét tuyển thẳng bằng kết quả thi THPT là 341.840. Đáng lưu ý, TS theo phương thức học bạ, đánh giá năng lực là 147.797 chỉ tiêu. Cả nước có khoảng trên 100 trường TS theo hình thức xét học bạ. Tại Hà Nội, có nhiều trường như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tài chính, Ngân hàng, ĐH Luật, Ngoại thương... đều xét học bạ.

Bộ GD&ĐT đánh giá cao việc các trường thực hiện quyền tự chủ và đưa ra hình thức xét tuyển bằng học bạ riêng. Tuy nhiên, nhiều trường cạnh tranh không lành mạnh từ việc xét học bạ. Hiện, Bộ GD&ĐT đang tập trung thanh tra tại các trường: ĐH Trưng vương, ĐH Điện lực…, nếu phát hiện vi phạm, Bộ sẽ xử lý nghiêm.

Trong những năm qua, hình thức xét tuyển bằng học bạ vào các trường, học viện, ĐH là lựa chọn an toàn trong TS. Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng, những năm qua, nhiều trường đa dạng hóa các hình thức xét tuyển. Giai đoạn này, có nhiều trường khó khăn trong TS nên đôi khi phải có kỹ thuật để dành lợi thế cho mình. "Điều tôi lo ngại nhất là việc các trường yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển trước khi bước vào giai đoạn xét tuyển chung (vào đầu tháng 8). Tôi biết rất nhiều trường đã yêu cầu thí sinh trúng tuyển thẳng và trúng tuyển theo học bạ phải xác nhận nhập học sớm. Điều này hạn chế cơ hội của thí sinh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường nghiêm túc thực hiện quy chế TS, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm công bằng giữa các trường ĐH với nhau” - PGS Sơn nói.

Trước việc TS ồ ạt của các trường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, Đề án TS của một số trường đưa ra không rõ ràng, sai lệch vì theo quy định, Bộ GD&ĐT chỉ cho phép TS 50% bằng học bạ, 50% là điểm thi THPT Quốc gia nhưng nhiều trường lại xét tuyển đến 80% học bạ. Hơn nữa, do tuyển nhiều giảng viên phục vụ cho năm học nhưng không có sinh viên để đào tạo nên trường tự ý tăng chỉ tiêu không đúng với thực tế. Có trường khai khống giáo viên cơ hữu và khi tuyển được nhiều sinh viên thì mới ký hợp đồng giảng viên để đủ số lượng.

Đừng để trường mất uy tín

Đề cập đến chế tài xử phạt vi phạm trong TS, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay: “Luật Giáo dục ĐH 2019 đã quy định rõ, những cơ sở đào tạo vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu TS sẽ bị xử lý trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu TS trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch hội đồng TS và những người liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Việc tự chủ TS phải đảm bảo chất lượng, trách nhiệm với người học và xã hội”.

Bà Phụng cũng nhắc nhở một số trường về Đề án TS có phần lệch lạc và phải chịu trách nhiệm giải trình về những việc này. Để cung cấp thêm thông tin phục vụ công tác quản lý, minh bạch hóa chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học của các trường trong năm 2018, 2019 trên Cổng thông tin TS của Bộ. Việc đăng tải danh sách để thí sinh biết mình có nằm trong danh sách của trường, các trường tuyển "chui", tuyển "lậu" hay không. Nếu thí sinh đỗ mà không có tên trong danh sách thì có quyền khiếu nại.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh cho rằng, việc cần làm lúc này là các trường cần bảo đảm chất lượng ngay từ khâu đầu vào. Không nên TS theo kiểu "vơ bèo, vạt tép" làm mất uy tín, thương hiệu của các trường.