Trước đó, ngày 17/10/2022, Cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam và Mỹ đã cùng nhau ký kết Chương trình xuất khẩu bưởi từ Việt Nam sang Mỹ. Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS).
Bên cạnh kiểm tra giám sát định kỳ trong suốt vụ, các lô hàng bưởi tươi xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Phần khai báo bổ sung phải ghi rõ lô hàng không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và được sản xuất theo phương pháp tiếp cận hệ thống.
APHIS đặc biệt lưu ý cần áp dụng các biện pháp quản lý đối với nấm Cylindrocarpon lichenicola và Phyllosticta citriasiana như loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói; làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả; loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây (trừ cuống ngắn hơn 2,5cm và vẫn còn gắn vào quả).
Bộ NN&PTNT đánh giá, Mỹ là thị trường lớn đầy tiềm năng đối với các loại hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam. Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Mỹ lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu.
Việt Nam hiện có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn, với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000 ha, với sản lượng khoảng 369.000 tấn... Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Mỹ.
Thông qua buổi lễ công bố xuất khẩu trái bưởi tươi đi Mỹ, Bộ NN&PTNT kỳ vọng các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu bưởi sang Mỹ nhanh chóng triển khai, tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và các yêu cầu nhập khẩu. Cùng phối hợp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bưởi của Việt Nam nói chung và xuất khẩu sang Mỹ nói riêng nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho tất cả các bên tham gia chuỗi sản xuất.