Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạn biển quảng cáo mặt tiền quá khổ - Bài 2: Sớm ra quân xử lý vi phạm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ Thế giới di động đang nằm trong tầm ngắm của các nhà quản lý, mà Media Mart, Điện máy xanh, Kangaroo… cũng là những thương hiệu điển hình bất chấp quy định dựng biển quảng cáo “quá khổ” cần xử lý.

Hà Nội đang xác định lộ trình “nói không” với biển quảng cáo quá khổ này.

Loạn biển quảng cáo quá khổ: Bài 1 - Thế giới di động coi thường tính mạng khách hàng

Xử phạt như gãi ngứa

Trên thực tế, không phải biển quảng cáo quá khổ của các thương hiệu mới xuất hiện, hoặc dựng lên không ai biết. Công tác quản lý các biển bảng quảng cáo mặt tiền đã được UBND TP phân cấp cho các quận, huyện nên địa phương sẽ sâu sát địa bàn, nắm vững những vi phạm. Tuy nhiên, các biển hiệu của hệ thống cửa hàng Thế giới di động, Media Mart, Điện máy xanh, Kangaroo… tồn tại trên các tuyến phố Hà Nội nhiều năm nay nhưng cán bộ quản lý địa bàn lúng túng xử lý sai phạm. Tại một cuộc kiểm tra liên ngành công tác quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo, biển hiệu trên địa bàn quận Đống Đa, cán bộ ngành xây dựng đẩy trách nhiệm xử lý biển quảng cáo cho ngành văn hóa, và cụ thể là Phòng VHTT quận. Nhưng thực tế Phòng VHTT chỉ có chức năng tháo dỡ nội dung quảng cáo khi có vi phạm, còn công trình dựng biển là của ngành xây dựng. Vòng luẩn quẩn đó tưởng như đơn giản nhưng chưa được phân tách tại các quận, huyện, dẫn đến các thương hiệu lớn ngang nhiên vi phạm kích cỡ dựng biển quảng cáo mặt tiền.

Hàng loạt biển hiệu quảng cáo che phủ gần hết mặt tiền một số tòa nhà trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Hơn nữa, gần như các cửa hàng vi phạm biển quảng cáo mặt tiền của các thương hiệu lớn chưa từng bị xử phạt: “Chúng tôi đã cho kiểm tra và chỉ gặp người bán thuê, không gặp được chủ nên chưa xử lý được trường hợp nào” – ông Nguyễn Duy Tấn - Trưởng phòng VH&TT huyện Thanh Trì cho biết về việc xử phạt các vi phạm của hệ thống cửa hàng Thế giới di động tại huyện này. Ở một số quận như Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng đã từng ra quân kiểm tra, xử phạt, nhưng mức xử phạt cũng chỉ như là “gãi ngứa”, vì Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định tối đa chỉ có thể xử phạt chưa đến 10 triệu/lần/bảng vi phạm.

Sau 190 bảng tấm lớn là biển quảng cáo “quá khổ”?

Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã “dẹp loạn” được 190 bảng quảng cáo tấm lớn vi phạm, “cuộc chiến” này tưởng như không tưởng bởi vì ảnh hưởng đến lợi ích của rất nhiều cá nhân, DN đang cố tình vi phạm pháp luật để thu lời. Cho dù các DN làm sai có cố tình gây khó dễ, dọa kiện cáo, thuê người ăn vạ, biểu tình tại cửa phòng của các nhà quản lý có trách nhiệm, nhưng theo kế hoạch đến tháng 12/2016, toàn bộ các bảng quảng cáo tấm lớn đứng độc lập vi phạm đã được tháo dỡ. Trên các tuyến đường Võ Nguyên Giáp không còn bị chi chít biển quảng cáo chắn tầm nhìn người tham gia giao thông, trong khu vực nội đô “rác trời” được dọn sạch.

Sau cuộc chiến ra quân xóa bảng quảng cáo tấm lớn đứng độc lập vi phạm thành công, mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các ngành có liên quan như: Văn hóa, công an, xây dựng… tiếp tục ra quân xử lý các biển quảng cáo mặt tiền quá khổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông của một số thương hiệu lớn nhưng cố tình vi phạm. “Ngành văn hóa không có đủ nhân lực để đi đếm các biển, bảng vi phạm, mà trách nhiệm này được giao cho các quận, huyện. Hiện nay, Phòng Quản lý văn hóa tham mưu lãnh đạo Sở VH&TT thành lập tổ liên ngành kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo, biển hiệu tại các quận, huyện, thị xã. Kế hoạch kiểm tra sẽ kéo dài đến hết tháng 4/2017. Sau khi thống kê xong nêu rõ hành vi, hiện trạng vi phạm sẽ có văn bản nhắc nhở với địa phương, đồng thời tổng hợp báo cáo với UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền, từng bước đưa hoạt động quảng cáo về nền nếp…” – ông Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH&TT Hà Nội) cho biết.

Không tham vọng xử lý tất cả các biển, bảng quảng cáo mặt tiền vi phạm, nhưng trước mắt chắc chắn những biển quảng cáo quá khổ đã được đưa vào tầm ngắm để cơ quan quản lý vận động hoặc cưỡng chế tháo dỡ trong năm 2017. Như vậy, cùng với việc lập lại trật tự đô thị, hy vọng trong vài tháng nữa, TP Hà Nội sẽ không còn những biển quảng cáo của Thế giới di động, Media Mart, Điện máy xanh, Kangaroo… xuất hiện lừng lững giữa các con phố.