[Loạn giá thuốc, lỗi tại ai?] Bài 1: Mỗi nơi, một giá

Lệ Giang - Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tình trạng giá thuốc mỗi nơi, một kiểu khiến nhiều người mua không khỏi băn khoăn.

Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, người mua miễn mặc cả, trả giá. Vì vậy, người bệnh chỉ biết trông chờ vào sự quản lý, giám sát chặt chẽ giá thuốc từ cơ quan chức năng.

Miễn mặc cả, trả giá

Trong vai người mua thuốc, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã đến nhiều cửa hàng thuốc trên một số tuyến phố, cũng như một số nhà thuốc của các bệnh viện (BV) lớn trên địa bàn Hà Nội.

Với một đơn thuốc gồm 4 loại thuốc, bà N.T.N. (60 tuổi, ở Thái Nguyên) phải trả cho hiệu thuốc trong BV Hữu Nghị Việt Đức là 1.381.520 đồng. Bà N. cho biết, bà bị bệnh xương khớp và đau dạ dày, sau khi thăm khám, chụp chiếu, bác sĩ kê cho 4 loại thuốc. Trong đó, thuốc giảm đau, kháng viêm xương khớp Roticox 60mg có giá 13.910 đồng/1 viên (20 viên là 278.200 đồng). Thuốc điều trị loãng xương Sancefur 35mg có giá 57.780 đồng/1 viên (4 viên là 231.120 đồng). Thuốc hỗ trợ điều trị đặc hiệu bệnh loãng xương Calci-D3 có giá 10.080 đồng/gói (60 gói là 604.800 đồng). Thuốc điều trị viêm loét dạ dày Goldesome 20mg có giá 13.370 đồng (20 viên là 276.400 đồng).

Với một đơn thuốc gồm 4 loại thuốc, bà N.T.N. (60 tuổi, ở Thái Nguyên) phải chi cho hiệu thuốc trong BV Hữu Nghị Việt Đức là 1.381.520 đồng.
Với một đơn thuốc gồm 4 loại thuốc, bà N.T.N. (60 tuổi, ở Thái Nguyên) phải chi cho hiệu thuốc trong BV Hữu Nghị Việt Đức là 1.381.520 đồng.

Cùng đơn thuốc này, phóng viên mang đến một nhà thuốc gần cổng BV Hữu nghị Việt Đức, nhận được kết quả là thuốc Roticox 60mg có giá 13.000 đồng/viên; thuốc Sancefur 35mg có giá 41.250 đồng/1 viên; thuốc Calci-D3 có giá 9.458 đồng/gói; thuốc Goldesome 20mg có giá 12.500 đồng/viên. Tổng 4 loại thuốc được tính ở hiệu thuốc này là 1.242.000 đồng.

Phóng viên tiếp tục mang đơn thuốc này đến một hiệu thuốc khác trên phố Phủ Doãn và phố Vũ Trọng Phụng nhưng người mua chỉ phải trả 960.000 đồng với 4 loại thuốc trên.

Các cửa hàng thuốc san sát trên phố Phủ Doãn.
Các cửa hàng thuốc san sát trên phố Phủ Doãn.

Như vậy, so sánh, cùng 1 đơn thuốc (4 loại thuốc) có sự chênh lệch rõ rệt về giá. Thuốc ở nhà thuốc BV cao hơn so với nhà thuốc gần cổng BV là 139.520 đồng. Đáng lưu ý, thuốc bán tại nhà thuốc BV cao hơn so với một số nhà thuốc gần cổng BV là 421.520 đồng. Còn nhà thuốc gần cổng BV cao hơn so với một số nhà thuốc khác là 282.000 đồng.

Đối với mặt hàng thuốc, người mua dường như không được mặc cả, trả giá như các mặt hàng khác. Dược sĩ đưa ra giá sao thì thanh toán vậy. Bởi vậy, người dân luôn thụ động. Thuốc có giá cao, họ tính sao, người mau đành chấp nhận như vậy.

Người dân mua thuốc tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Người dân mua thuốc tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Khảo sát tại quầy thuốc BV Nhi Trung ương, 1 lọ Novafex 100mg/5ml được mẹ bé N.H.V. (4 tuổi, Hà Nội) mua với giá 95.230 đồng. Cùng loại thuốc này, một cửa hàng thuốc trên phố Quan Nhân (quận Thanh Xuân) bán với giá 73.000 đồng, còn trước cổng BV Nhi Trung ương, số tiền phải bỏ ra để mua được lọ thuốc này lên đến 130.000 đồng. Như vậy, chỉ tính riêng một loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ em, các nhà thuốc trong và ngoài BV có giá chênh nhau từ 20.000 đồng đến gần 60.000 đồng.

Giá chênh lệch từ vài chục đến gần nửa triệu đồng

Tương tự, bé V.N.A. (6 tuổi, ở Bình Lục, Hà Nam) được bác sĩ BV Nhi Trung ương chẩn đoán bị táo bón. Sau khi được kê đơn, mẹ bé N.A. ra nhà thuốc của BV mua 30 gói nhuận tràng Constipass (hộp 20 gói) theo đơn và được báo giá trong hóa đơn tổng 641.000 đồng, tương đương 21.384 đồng/gói.

Qua khảo sát, 1 hộp Piascledine 300mg (15 viên) giúp điều trị bệnh thoái hóa khớp được bán trong nhà thuốc của BV Bạch Mai với giá 192.600 đồng.
Qua khảo sát, 1 hộp Piascledine 300mg (15 viên) giúp điều trị bệnh thoái hóa khớp được bán trong nhà thuốc của BV Bạch Mai với giá 192.600 đồng.

“Nghĩ mua ở BV giá sẽ tốt hơn hoặc ít nhất bằng ở quê nhưng lại đắt quá. Chẳng lẽ trả lại!” - mẹ bé N.A. vừa đếm lại số thuốc, vừa nhăn nhó. Qua khảo sát, 21.384 đồng/gói Constipass trong nhà thuốc BV Nhi Trung ương (427.680 đồng/hộp 20 gói) không chênh lệch nhiều so với một số nhà thuốc ở cổng BV này. Bởi chỉ cách BV chừng 20m, hai nhà thuốc khác đều bán với giá 22.000 đồng/gói (440.000 đồng/hộp). Tuy nhiên, vẫn là thuốc Constipass (hộp 20 gói), một nhà thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) chỉ bán với giá 17.250 đồng/gói, tương đương 345.000 đồng/hộp.

Như vậy, cùng một hộp thuốc, nhưng bốn nhà thuốc ở 3 vị trí khác nhau lại có giá bán khác nhau. Trường hợp này, sự chênh lệch ở mỗi hộp Constipass (hộp 20 gói) ở các nhà thuốc cũng lên đến hàng trăm nghìn đồng. Với đơn thuốc 30 gói của bé V.N.A., số tiền chênh còn cao hơn thế.

3 đơn có loại thuốc giá chênh nhau tại hiệu thuốc ở BV Bạch Mai, cổng  BV Bạch Mai và cửa hàng thuốc trên phố Văn Miếu.
3 đơn có loại thuốc giá chênh nhau tại hiệu thuốc ở BV Bạch Mai, cổng  BV Bạch Mai và cửa hàng thuốc trên phố Văn Miếu.

Tại BV Bạch Mai và các nhà thuốc trên đường Giải Phóng, chỉ tính riêng từ nhà số 9 đến số 205 (chiều đi đường Lê Duẩn), đã có hơn 20 nhà thuốc. Sau khi tham khảo giá một vài mẫu thuốc, con số đưa ra đều khiến bệnh nhân và người nhà chỉ biết “khóc thét”.

Trong đơn thuốc của bác sĩ BV Bạch Mai kê cho chị N.T.L. (Chương Mỹ, Hà Nội) có thuốc Lyrica 75mg. Theo hóa đơn thanh toán tại nhà thuốc trong BV, chị L. phải trả 18.923 đồng cho 1 viên thuốc. Trong khi đó, nhà thuốc H.L. nằm trên đường Giải Phóng, đối diện BV Bạch Mai bán với giá 25.000 đồng/viên. Cùng tên thuốc, thành phần, nơi sản xuất nhưng nhà thuốc P.M.C. trên phố Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ bán với giá 17.400 đồng/viên.

Như vậy, 1 hộp Lyrica 75mg (65 viên), 3 nhà thuốc này có giá lần lượt là 1.059.688 đồng, 1.400.000 đồng và 974.400 đồng, qua so sánh, có thể thấy số tiền chênh lệch từ vài chục nghìn đồng đến gần nửa triệu đồng.

Trên đoạn đường Giải Phóng được biết đến với hàng loạt nhà thuốc lớn nhỏ trải dọc ven đường.
Trên đoạn đường Giải Phóng được biết đến với hàng loạt nhà thuốc lớn nhỏ trải dọc ven đường.

Tương tự, với thuốc điều trị loét dạ dày, tá tràng Fogicap 40, nhà thuốc trong BV bán 358.500 đồng/hộp (30 viên), nhưng nhà thuốc V.P. trên đường Giải Phóng bán với giá 585.000 đồng, còn nhà thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng có giá 380.000 đồng.

Tình trạng chênh lệch giá không chỉ diễn ra ở các nhà thuốc gần BV. Qua khảo sát, 1 hộp Piascledine 300mg (15 viên) giúp điều trị bệnh thoái hóa khớp được bán trong nhà thuốc của BV Bạch Mai với giá 192.600 đồng. Tại nhà thuốc L.T., một trong số nhà thuốc lớn trước cổng BV có giá tương tự là 172.500 đồng. Đáng chú ý, một nhà thuốc khác trên đường Văn Miếu lại “hét giá” người mua đến 270.000 đồng, chênh lệch hàng trăm nghìn đồng với các nhà thuốc khác.

Rõ ràng, việc cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi lại có giá bán khác nhau khiến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vô cùng thiệt thòi. Thuốc chứ không phải tấm áo, manh quần để họ mặc cả mua bán....

(Còn nữa...)