Loạt doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài xuống tiền nhiều nhất tháng 8

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong tháng 8, khối ngoại bán ròng chủ yếu tại VPB và SSI với giá trị cùng tương đương 1,1 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, hầu hết cổ phiếu được mua ròng nhiều như VNM (+891 tỷ đồng), CTG (+779 tỷ đồng), VIC (+399 tỷ đồng) đều khởi sắc.

Tâm lý nhà đầu tư thận trọng

Báo cáo chiến lược tháng 9 của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, sau khi mua ròng mạnh cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, chuỗi bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài nối dài sang tháng thứ 5 liên tiếp. Tính riêng trong tháng 8, khối ngoại bán ròng 4.079 tỷ đồng, tăng 112% so với tháng trước đó. Trong tuần đầu của tháng 9, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 1.305 tỷ đồng trên HOSE, trong đó 2.436 tỷ đồng được thực hiện qua khớp lệnh.

(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

Trong tháng 8, khối ngoại bán ròng chủ yếu tại VPB và SSI với giá trị cùng tương đương 1,1 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, hầu hết cổ phiếu được mua ròng nhiều như VNM (+891 tỷ đồng), CTG (+779 tỷ đồng), VIC (+399 tỷ đồng) đều khởi sắc.

Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên sàn HOSE vẫn duy trì quanh ngưỡng 7–8% và phần nào cải thiện trong thời gian gần đây.

Dòng vốn ngoại có xu hướng chảy khỏi Việt Nam trong bối cảnh tỷ giá VND đang phải chịu áp lực cũng như đà tăng mạnh vừa qua của thị trường chứng khoán kích hoạt động thái chốt lời của nhà đầu tư ngoại.

Ở một diễn biến khác, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay lại mua ròng trong tháng 8 với quy mô gần 3,4 nghìn tỷ đồng, trong khi tổ chức nước ngoài bán ròng xấp xỉ 2,5 nghìn tỷ đồng.

Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng ở nhiều nhóm công nghệ thông tin (+1,2 nghìn tỷ), bất động sản (+818 tỷ), nguyên vật liệu (+737 tỷ), năng lượng (+316 tỷ), y tế (+225 tỷ)… Trong khi đó, 2 nhóm được khối tổ chức nước ngoài ưa chuộng trong tháng 8 là HTD thiết yếu và tài chính với giá trị mua ròng lần lượt 798 tỷ đồng và 181 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận VN-Index vượt qua biến động điều chỉnh và lấy lại cân bằng trong tháng 8, chỉ số đóng cửa tăng nhẹ so với tháng 7. Tổng khớp lệnh của tháng 8 đạt 22,43 tỷ đơn vị, cao nhất trong năm 2023 cho thấy sự nhộn nhịp của thị trường.

Tâm lý đầu tư trong tháng 8 cho thấy sự thận trọng hơn của các nhà đầu tư trên quy mô toàn cầu với các loại tài sản rủi ro. TTCK Việt Nam đã có diễn biến tích cực hơn nhờ tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế hồi phục.

Chọn cổ phiếu có nền tảng tích cực

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 8 phục hồi chậm và chưa cho thấy tín hiệu bứt phá mạnh. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm nhanh cùng với các giải pháp đi kèm giúp tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế vẫn là yếu tố hỗ trợ gián tiếp cho sự đi lên của TTCK trong giai đoạn tới.

Chuyên gia Công ty CP chứng khoán SSI nhận định, sau khi quay lại xu hướng chính tính từ tháng 5/2023, thị trường chứng khoán cần sự tích lũy ở xu hướng hiện tại và khả năng kéo dài xuyên suốt trong chu kỳ tháng 9.

Các chỉ báo có tín hiệu suy giảm nhẹ, điều này cũng thể hiện sự tích lũy của xu hướng trung hạn. Quá trình tích lũy khả năng sẽ diễn ra trong kênh giá 1.180- 1.295 điểm.

Theo các chuyên gia, ngoài rủi ro điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn chủ yếu đến từ cung chốt lời sau chu kỳ tăng kéo dài, các yếu tố hỗ trợ cho thị trường đi lên trong trung và dài hạn tiếp tục được duy trì và chuyển biến tích cực.

Trong giai đoạn hiện tại và cho cả tháng 9, chỉ số VN-Index chưa có những tín hiệu kỹ thuật ủng hộ cho xu hướng ngắn hạn rõ nét và trong quá trình tích lũy cho trung hạn của thị trường sẽ xuất hiện sự nổi trội của những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tích cực.

Chiến lược giao dịch trong biên độ với những mã cổ phiếu có nền tảng tích cực này này sẽ được áp dụng với vùng mua được xác định và nắm bắt đặc biệt khi thị trường có những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh (mốc 1.180 điểm trên VN- Index).