Quảng Trị:

Loạt dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hậu cần nghề cá chậm tiến độ

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị hàng trăm tỷ đồng chậm tiến độ.

Nhiều gói thầu chưa thể thi công

Từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tại Quảng Trị được phê duyệt thực hiện 4 công trình xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng.

Trong đó, dự án xây dựng các hạng mục phụ trợ phục vụ hoạt động sản xuất thủy sản các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng do UBND huyện trong vùng thực hiện dự án làm chủ đầu tư.

Nhiều gói thầu tại dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt vướng giải phóng mặt bằng để thi công.
Nhiều gói thầu tại dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt vướng giải phóng mặt bằng để thi công.

Các dự án: Nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt (huyện Triệu Phong); Xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt (huyện Gio Linh) và Nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) do Ban quản lý dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi tắt là BQL DA) tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Theo BQL DA đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có một số gói thầu hoàn thành còn lại đa số các gói thầu thuộc dự án trên chậm tiến độ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn khác nhau.

Trong đó, dự án xây dựng các hạng mục phụ trợ phục vụ hoạt động sản xuất thủy sản các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt và lựa chọn nhà thầu theo tiểu dự án.

Các tiểu dự án trên có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng với 42 gói thầu. Hiện, khối lượng thực hiện đạt khoảng 90%, đã giải ngân trên 86,2 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch vốn bố trí. Đối với dự án nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng với 18 gói thầu đã thực hiện đạt khoảng 70% khối lượng, giải ngân trên 32,5 tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch vốn bố trí.

Thiếu mặt bằng nên chỉ có 3/6 gói thầu xây lắp dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt được triển khai.
Thiếu mặt bằng nên chỉ có 3/6 gói thầu xây lắp dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt được triển khai.

Trong khi đó, 2 dự án còn lại việc thi công nhiều lúc triển khai cầm chừng vì gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt chỉ mới thực hiện khoảng 55% khối lượng thực hiện, giải ngân trên 64 tỷ đồng/ 130 tỷ đồng, đạt trên 49% kế hoạch vốn bố trí.

Riêng gói thầu số 4: xây dựng mái che dọc bến; cổng, tường rào; bể chứa nước điều hòa kết hợp phòng cháy chữa cháy của dự án này vẫn chưa có mặt bằng để thi công.

Dự án Xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt cũng chỉ mới thực hiện đạt 60% khố lượng, giải ngân trên 6,2 tỷ đồng/ 120 tỷ đồng (đạt trên 51% kế hoạch vốn bố trí).

Theo BQL DA, dù đã tổ chức bàn giao tim tuyến, mốc cao tọa độ cho các nhà thầu thi công từ tháng 7/2021 nhưng đến nay chỉ triển khai 3/6 gói thầu trong phạm vi đã bàn giao mặt bằng, các gói thầu còn lại vướng mặt bằng không thể triển khai, chậm tiến độ. Đơn cử, như: Gói thầu xây dựng bến cập tàu, đường giao thông nội bộ (đạt 15% giá trị hợp đồng), xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ (đạt 15% giá trị hợp đồng); Đường dây trung áp, trạm biến áp, đường dây hạ áp 0,4kV (đạt 5% giá trị hợp đồng)…

Hiện chỉ dự án nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng gần như cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa có hạng mục hệ thống xử lý nước thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Hiện chỉ dự án nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng gần như cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa có hạng mục hệ thống xử lý nước thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Dù tiến độ thực hiện các dự án phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022, thế nhưng đến giờ này vẫn còn nhiều dự án đang dang dở. Đặc biệt, dự án nâng cấp, sửa chữa cảng cá Nam Cửa Việt vẫn ngổn ngang với nhiều gói thầu chưa thể hoàn thiện.

Điều đó đã khiến cho các doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động tại khu vực cảng cá gặp nhiều khó khăn bởi vướng mặt bằng kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc BQL DA, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

“Hầu hết dự án đều vướng mắc công tác GPMB. Ngoài ra, kinh phí thực hiện GPMB tăng thêm khá nhiều so với tổng mức đầu tư được duyệt nên phải tiến hành rà soát, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán” - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã phát sinh các chi phí khá lớn: Chi phí GPMB, bổ sung hạng mục hệ thống xử lý nước thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Vấn đề này đã khiến vượt tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt. 

Ngoài ra, theo BQL DA do các hạng mục chính của khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá chủ yếu thi công trên các cửa sông nên điều kiện thi công khó khăn. Vào thời điểm mưa bão phải dừng thi công thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Tỉnh Quảng Trị kiến nghị bổ sung thêm 380 tỷ đồng để thực hiện các dự án khác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư cho dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tỉnh Quảng Trị kiến nghị bổ sung thêm 380 tỷ đồng để thực hiện các dự án khác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư cho dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

“Trong năm 2021, do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vật tư, thiết bị thi công, các nhà thầu phải tuân thủ các quy định của ngành y tế để đảm bảo an toàn theo quy định. Với nhiều khó khăn, vướng mắc đó đã khiến tiến độ thi công các công trình đều chậm so với quyết định phê duyệt” - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.

Được biết, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện và giải ngân các dự án đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, giải ngân phần vốn chưa giải ngân hết là trên 157 tỷ đồng.

Cùng với đó, Sở KH&ĐT cũng đề nghị bổ sung thêm nguồn vốn là 380 tỷ đồng thực hiện các dự án khác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư cho các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Trong đó, 80 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu chế biến thủy sản tập trung tại huyện Gio Linh; 300 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện công trình xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn với các hạng mục: Xây dựng hệ thống xử lý  nước thải tại cảng cá theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.