Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạt mặt bằng trên tuyến phố đất vàng quận Hai Bà Trưng đóng cửa ngày đêm

Thu Giang/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Nhiều mặt bằng trên tuyến phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thời gian qua đang phải đóng cửa, treo biển cho thuê hàng loạt.

 

Nhiều mặt bằng kinh doanh đóng cửa, cho thuê lại trên tuyến phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Thu Giang
Nhiều mặt bằng kinh doanh đóng cửa, cho thuê lại trên tuyến phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Thu Giang

Trao đổi với Lao Động chiều ngày 13/6, chị Lê Thị Nga (kinh doanh thời trang trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) thông tin, gần đây, người dân có xu hướng mua đồ online trên các sàn thương mại bởi nhiều tiện ích như vừa nhiều mã giảm giá lại được giao hàng tận nhà, có chính sách hoàn hàng miễn phí.

"Việc mua sắm theo kiểu truyền thống đang rất ế ẩm, có khi cả ngày cửa hàng của tôi không có ai hỏi mua. Nhiều cửa hàng trên tuyến phố do không cầm cự được chi phí thuê mặt bằng, chi phí nhập hàng, lương thuê nhân viên nên gần đây buộc phải sang nhượng, trả lại mặt bằng kinh doanh hàng loạt" - chị Nga nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Huân (sinh sống trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, thời gian qua, nhiều mặt bằng bán buôn, kinh doanh trên tuyến phố đã phải đóng cửa, sang nhượng vì tình hình kinh doanh ảm đạm, trong khi chi phí thuê mặt bằng cao.

Nhiều người dân sinh sống trên phố Bạch Mai cho rằng, số lượng mặt bằng trống đang tăng dần theo thời gian dù đây là tuyến phố có vị trí đắc địa tại quận Hai Bà Trưng. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán lẻ, kinh doanh dịch vụ quán ăn, thời trang gần đây cũng đua nhau đóng cửa, trả lại mặt bằng để chuyển đi nơi khác.

Nhiều mặt bằng kinh doanh trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang treo biển cho thuê. Ảnh: Thu Giang
Nhiều mặt bằng kinh doanh trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang treo biển cho thuê. Ảnh: Thu Giang

Trao đổi với PV Lao Động, anh Nguyễn Hữu Đức (hiện đang cho thuê mặt bằng kinh doanh trên phố Bạch Mai) thông tin, hiện gia đình anh đang cho thuê cửa hàng rộng 65m2 với mức giá 45 triệu đồng/tháng, với hợp đồng lâu dài trên 2 năm.

Anh Đức chia sẻ thêm, dù mức giá thuê mặt bằng đã được điều chỉnh giảm so với trước đây nhưng đến nay, cửa hàng của gia đình vẫn phải đóng cửa, chưa có khách hỏi thuê.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chuyên trang phân tích thị trường bất động sản Batdongsan.com.vn - dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2024, những người cho thuê nhà bắt đầu phải điều chỉnh giá theo cơ chế, mức giá phù hợp hơn với những nhóm khách đi thuê.

Chuyên gia này cho rằng, khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các nhãn hàng nước ngoài quay trở lại Việt Nam thì thị trường mặt bằng nhà phố cơ bản sẽ bắt đầu chuyển động trong năm 2024.

Để tình hình cho thuê mặt bằng nhà phố hết “ảm đạm”, bản thân chủ cho thuê và người thuê kinh doanh nên chủ động phương án ứng phó, thương lượng, có biện pháp thích nghi với tình hình mới.

Đề cập đến nội dung này, bà Hoàng Nguyệt Minh - Chuyên gia cấp cao của Savills Hà Nội - cho rằng, các chủ đơn vị cho thuê bất động sản, đặc biệt là cho thuê mặt bằng nhà phố cần thay đổi để thích nghi.

Theo bà Minh, các chủ nhà thời điểm này cần hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo mặt bằng có đủ điều kiện cấp phép cho thuê về công năng sử dụng, đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy. Sau đó cần đưa ra giá thuê nhà về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng cao gây khó cho doanh nghiệp thuê trong các tháng cuối năm 2024.