"Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến mất an ninh và bất ổn trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển của Biển Đông thực hiện các bước và biện pháp giảm căng thẳng và góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ và quyền tự do và quyền của giao thông thủy trong và vượt trên Biển Đông", bản tuyên bố từ London viết.
Bộ 3 quốc gia châu Âu lưu ý rằng, với tư cách là các bên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), họ có trách nhiệm để đảm bảo rằng thỏa thuận này được áp dụng toàn diện.
"(UNCLOS) đưa ra khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó tất cả các hoạt động ở đại dương và biển, bao gồm cả Biển Đông, phải được thực hiện và tạo cơ sở cho sự hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải", tài liệu nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cách đây không đâu đã cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông và đặt câu hỏi về cam kết của Bắc Kinh trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.
Năm 2016, một hội đồng trọng tài quốc tế tại The Hague đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về việc chiếm hữu toàn bộ Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết và bất chấp để xây dựng các đảo nhân tạo cùng hiện diện quân sự nhằm thực hiện mưu đồ của mình.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sau khi một tàu khảo sát và tàu chiến của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 29/8 cũng đã lên tiếng về tình hình nơi cửa ngõ thông qua của 55% thương mại nước này.
Người phát ngôn của Bộ, Raveesh Kumar nói: Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu. Do đó Ấn Độ có mối quan tâm đến việc tuân thủ hòa bình và ổn định trong khu vực. Ấn Độ kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và thương mại hợp pháp trong vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế - đặc biệt là UNCLOS.
Ông Kumar cũng nói thêm, Ấn Độ tin rằng bất kỳ sự khác biệt nào ở Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình bằng cách tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, và không đe dọa hay sử dụng vũ lực.