Loay hoay đến bao giờ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách...

Kinhtedothi - Năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, trong đó quy định, từ ngày 1/1/2008, các phương tiện quá niên hạn sử dụng, công nông và xe ba bốn bánh tự chế phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai, bất chấp các chế tài xử phạt khá mạnh như tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung công quỹ... trên địa bàn cả nước vẫn còn hàng vạn xe tự chế hoạt động. Đại diện các ngành, địa phương đều thừa nhận chủ trương tuy đúng nhưng rất khó triển khai. Còn dưới góc độ kinh tế, một thị trường có nhu cầu lớn đang bị các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước bỏ lỡ.

Bài 1: Bất chấp quy định, mặc sức lưu hành

Xe thô sơ, xe cơ giới ba, bốn bánh tự chế luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông do thường xuyên chở hàng cồng kềnh, chạy nhanh, ẩu... Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã chủ động ban hành và thực hiện nhiều biện pháp xử lý người điều khiển, thu giữ phương tiện nhưng trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, xe ba, bốn bánh tự chế vẫn hoạt động công khai.

Ra đường là gặp xe "tự chế"

 
Xe công nông 3 bánh tự chế lưu thông tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Xe công nông 3 bánh tự chế lưu thông tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Từ lâu, hình ảnh những chiếc xe ba bánh tự chế đã gây ấn tượng xấu đối với nhiều người dân đô thị. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể nhưng sơ bộ cả nước hiện có hàng chục ngàn xe loại này. Riêng Hà Nội có tới hơn 2.000 xe và người điều khiển chủ yếu là giả danh thương binh. Cùng với đó là rất nhiều cơ sở sản xuất xe tự chế hoạt động không cần bất cứ một đăng ký hay điều kiện nào. Chỉ cần bỏ ra từ 17 - 18 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc xe ba bánh mới có động cơ xe máy 100 phân phối, có khung sườn và thùng chở hàng bằng thép, có thể chạy với tốc độ lên tới 80km/h. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, sau một thời gian ra quân quyết liệt, tình trạng xe tự chế, xe công nông chạy trên đường đã được hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tình trạng này lại tái diễn. Xe công nông tự chế không chỉ hoạt động trên các đường liên thôn, liên xã mà tại một vài địa phương không khó để bắt gặp những loại xe này chạy trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ.

Là xe tự chế, nên các xe được thiết kế không đảm bảo an toàn kỹ thuật và hoạt động không tuân thủ bất kỳ một quy tắc giao thông nào. Hầu hết các loại xe này thường có cấu tạo phần trước xe nặng hơn phần sau, lại luôn chở hàng nặng, cồng kềnh, trong khi hệ thống đèn, còi phanh… rất kém. Chính vì thế bên cạnh việc khó điều khiển, khi gặp tình huống cần phanh gấp xe vẫn lao về phía trước cộng với việc người điều khiển không được đào tạo cơ bản, hiểu các luật lệ giao thông, thường xuyên phóng nhanh, vượt ẩu nên việc gây tai nạn giao thông là rất lớn. Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm làm chết người, không ít người phải chịu thương tật vĩnh viễn do các loại phương tiện tự chế gây ra.

Nhu cầu lớn về phương tiện vận tải nhỏ

Không an toàn, không đăng ký, không kiểm định và không bằng lái,… nhưng bất chấp các quy định của pháp luật, những loại xe này vẫn tồn tại, đi cùng với nó là nỗi lo mất ATGT đối với người dân mỗi khi ra đường. Nguyên nhân chủ yếu để xe tự chế vẫn có "đất" sống bởi thực tế nhu cầu vận chuyển bằng các phương tiện nhỏ rất lớn. Toàn bộ công việc thu gom rác ở hàng ngàn đường ngõ, hẻm nhỏ trên các đô thị, vùng nông thôn Việt Nam đang nhờ vào xe ba gác, công nông, xe tự chế vì lý do xe có khối lượng nhỏ trong khi các loại xe ô tô tải không vào được. Hàng trăm ngàn DN nhỏ của Việt Nam vẫn đang coi xe ba gác, xe tự chế là phương tiện vận tải hữu hiệu, khi chiếc xe tải loại nhỏ nhất cũng có trọng tải 1,5 tấn, trong khi nhu cầu vận chuyển nhiều khi chỉ là vài tạ, vài yến. Tương tự, bao nhiêu tiểu thương có nhu cầu vận chuyển ở các chợ với khối lượng 100 - 200kg mỗi chuyến, một nhu cầu quá nhỏ để thuê xe vận tải 4 bánh. Trong khi nhiều gia đình khi tiến hành sửa chữa, xây dựng nhà cửa buộc phải chọn loại phương tiện này để vận chuyển vật liệu không chỉ do chi phí rẻ hơn mà còn do thuận tiện, có thể chở những loại hàng có trọng lượng không lớn nhưng cồng kềnh len lỏi được vào các ngõ, ngách…

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần