Loay hoay tìm bến đỗ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Washington Post, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) chưa thể đi đến một thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran dù hạn chót ngày 7/7 đã trôi qua.

Đây là lần thứ 2 Iran và 6 cường quốc lỡ hẹn với thỏa thuận này, sau khi bỏ lỡ hạn chót đầu tiên vào ngày 30/6.
Loay hoay tìm bến đỗ - Ảnh 1
Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định, sẽ không tiếp tục đưa ra một hạn chót “phi thực tiễn” cho các cuộc hội đàm tiếp theo, chính quyền Washington lại đề xuất gia hạn một thỏa thuận hạt nhân tạm thời đến hết thứ 6 (10/7) để đại diện 7 quốc gia có thêm thời gian thống nhất được 1 thỏa thuận cuối. Về phía chính quyền Mỹ, các nhà thương lượng bày tỏ “quan tâm đến chất lượng của thỏa thuận hơn là thời hạn”.
Điểm lại các điểm mấu chốt trong tiến trình đàm phán, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhận định: “chúng tôi vẫn đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu giới hạn các hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran, nguy cơ tái thiết lập các lệnh trừng phạt và những phương diện quân sự khả thi”.
Bên cạnh đó, đại diện Trung Quốc bày tỏ sự tự tin sẽ đạt được 1 thỏa thuận trong vòng đàm phán này. Dù vẫn còn khoảng 6 hoặc 7 vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng “tất cả các bên đều đồng ý đây sẽ là cuộc đàm phán cuối cùng”.

Cuộc đàm phán kéo dài dự kiến kết thúc ngày 9/7 với những nội dung nhạy cảm và khó khăn nhất đã được đưa ra bàn luận. Theo Cao ủy phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini, hạn chót tiếp theo của cuộc đàm phán sẽ được quyết định linh hoạt để có thêm thời gian thống nhất một thỏa thuận.

Hơn 12 năm qua, Iran và phương Tây vẫn chưa thể đạt được tiếng nói chung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran như chương trình làm giàu uranium của Iran hay điều chỉnh các lệnh trừng phạt đối với nước này. Sự dùng dằng trong các cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử khiến các nhà quan sát cho rằng, mọi nguyên liệu cho một thỏa thuận chính thức đã sẵn sàng, chỉ có thiếu gia vị quan trọng nhất là ý chí chính trị của tất cả các bên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần