Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay tìm cơ chế đặc thù

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/10, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phối hợp cùng Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức diễn đàn Quản trị doanh nghiệp (DN) với chủ đề "Xây dựng cơ chế thù lao hiệu quả" cho người đại diện phần vốn Nhà nước tại các DN là công ty đại chúng lớn và công ty niêm yết của SCIC.

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thời gian qua đã xảy ra xung đột lợi ích.  Bà Thái Thị Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Deloitt cho rằng, DNNN sau cổ phần hóa thường gặp một số mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa cổ đông của công ty và ban điều hành. Cổ đông cho rằng, Ban điều hành không điều hành công ty vì lợi ích tốt nhất của cổ đông mà vì các lợi ích cá nhân. Thực tế này dẫn đến bất đồng giữa cổ tức chi trả cho cổ đông và lương, thưởng dành cho ban điều hành. Bên cạnh đó, còn có mâu thuẫn lợi ích trong các giao dịch với các bên liên quan. Lợi ích của cổ đông có thể không được tối ưu hóa hoặc giảm sút dẫn tới những việc như cung cấp hàng hóa/dịch vụ cho thành viên ban điều hành với các điều khoản chiết khấu ưu đãi hơn so với các quy định của công ty.

Để giải quyết và hạn chế, theo các chuyên gia, Việt Nam cần ban hành các quy định  về nghĩa vụ công bố thông tin về các lợi ích có liên quan và khi có tình huống xung đột lợi ích xảy ra; Xây dựng chính sách lương, thưởng nhất quán gắn kết với sản xuất kinh doanh của công ty, có thể đo lường và mang tính khuyến khích.

Theo bà Vũ Thị Kim Liên - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các chương trình ưu đãi quá mức sẽ gây thiệt hại cho cổ đông. Cơ chế kiểm soát yếu rất dễ dẫn đến lạm dụng, khiến cổ đông bất bình… Để hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực, các chuyên gia cho rằng HĐQT cần có quy chế nội bộ, có cơ chế kiểm soát các chương trình này, cần quy định DN phải công khai mọi khoản ưu đãi cổ phần cho người lao động…

Thực tế hiện nay, lương cơ bản của một lãnh đạo DNNN gấp hơn 10 lần một viên chức. Vẫn biết sự so sánh này là khập khiễng, nhất là khi so lương của một viên chức bình thường với một người đứng mũi chịu sào chèo lái cả một tập đoàn kinh tế. Vậy nên, giá trị lao động của vị chủ tịch hay tổng giám đốc tập đoàn kinh tế không thể chỉ nhẩm đếm bằng những con số thô sơ. Vấn đề là làm sao để có một cơ chế lương, thù lao hiệu quả để tạo động lực khuyến khích các thành viên quản trị DN tốt hơn nữa cho sự phát triển của DN nói chung và gián tiếp đem lại nguồn thu cho ngân sách, người lao động song không tạo ra những mâu thuẫn, bức xúc. Câu hỏi này rất cần được các DNNN quan tâm và xử lý trong thời điểm khó khăn như hiện nay.