Nhiều năm qua, ùn tắc giao thông (UTGT) đã trở thành vấn nạn với Hà Nội. Người dân ngày càng cảm thấy áp lực trầm trọng hơn, từ nhà ra ngõ, đường lớn cho đến đường nhỏ, đâu đâu cũng có thể gặp cảnh ùn tắc. Mạng lưới hạ tầng giao thông của Hà Nội phải oằn mình cõng một lượng phương tiện cá nhân quá lớn, lên đến gần 8 triệu chiếc. Quá tải, đuối sức, đường sá Thủ đô trở nên rất dễ tổn thương. Chỉ một người đi bộ sang đường không đúng chỗ, hay một chiếc xe máy rẽ ngang, một ô tô quay đầu chậm vài giây… cũng có thể gây UTGT kéo dài.
Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo đã giảm được thêm 8/35 điểm UTGT trong năm 2022. Nhưng con số đó chưa làm hài lòng người dân Thủ đô. Thực tế là toàn tuyến Vành đai 3, cả trên cao lẫn dưới thấp vẫn rơi vào bế tắc, UTGT diễn ra hàng ngày. Những trục chính hướng tâm như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Giải Phóng… vẫn là cơn ác mộng của người tham gia giao thông.
Nguyên nhân dẫn đến UTGT đã được làm rõ. Đó là do lượng phương tiện quá lớn; hạ tầng kém phát triển; việc rào chắn hè đường thi công khắp nơi. Bên cạnh đó, ý thức người tham gia giao thông chưa cao; quá nhiều trường học, bệnh viện, cơ sở đông người nằm trong khu vực nội đô…
Để giảm thiểu UTGT, Hà Nội đã lên kế hoạch hạn chế phương tiện cá nhân từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Nhiều dự án giao thông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng thì rơi vào cảnh giậm chân tại chỗ, thi công dở dang hoặc nằm trên giấy. Việc xử phạt vi phạm giao thông giống như “dã tràng xe cát”, năm nào cũng phạt cả trăm tỷ đồng nhưng rồi đâu lại hoàn đó. Cải thiện tổ chức giao thông thì chỉ làm “thí điểm”, không xử phạt, dẫn đến tình trạng nửa vời, lộn xộn, nhờn luật. Việc di dời các cơ sở đông người ra ngoại thành gần như bất động.
Thực tế đó đã phản ánh một sự bế tắc toàn diện trong việc giải quyết vấn nạn UTGT của Hà Nội. Nó không chỉ gây áp lực lên giao thông mà còn gây bức xúc trong dư luận Nhân dân, tạo một sức ép vô hình lên cơ quan quản lý và lực lượng chức năng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là: Hà Nội phải làm gì? Làm như thế nào?
Có lẽ, điều đầu tiên Hà Nội cần thực hiện là làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ. Những dự án giao thông chậm trễ do đâu, do ai, chịu trách nhiệm như thế nào? Những công trình rào chắn hè đường mà không đảm bảo tiến độ, gây UTGT, bức xúc trong dư luận phải kiên quyết bị dỡ bỏ. Đặc biệt, không thí điểm tổ chức giao thông nửa vời, đã làm phải làm “điểm” để thấy rõ lợi - hại.
Người tham gia giao thông thiếu ý thức, vi phạm luật phải bị phạt nặng. Xe dù bến cóc, xe rùa bò, xe khách trá hình… cũng như hàng quán lấn chiếm hè đường, hành lang giao thông TP phải bị quét sạch khỏi đường phố. Hơn lúc nào hết Hà Nội cần sự cương quyết, tinh thần trách nhiệm và sâu sát thực tế từ tất cả các cấp, ngành, địa phương trong TP để từng bước đẩy lùi UTGT.