Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/12, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: "Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long." Ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dư.

Đây là sự kiện thường niên do Bộ Công thương tổ chức từ năm 2013 nhằm phối hợp đồng bộ các hoạt động để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.

Ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn
Ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, vùng ĐBSCL là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của cả nước. Đồng thời, ĐBSCL là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản và 70% các loại trái cây cả nước.

Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics là rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.

“Vì thế, để tìm ra những định hướng và giải pháp tháo gỡ khó khăn, tận dụng chuyển đổi số mang lại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistic Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội cả nước và vùng ĐBSCL, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 với chủ đề Logistics và Chuyển đổi số cho ĐBSCL.”- Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương và ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics năm 2023. (Ảnh Hồng Thắm)
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương và ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics năm 2023. (Ảnh Hồng Thắm)

Ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Logistics là ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội. Ngành logicstics của Việt Nam trong thời gian đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Năm 2023, theo xếp hạng của ngân hàng thế giới, chỉ số hiệu quả logistic (LIP) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng; cải thiện đáng kế so với vị trí 53 vào năm 2010. Hiện Việt Nam thuộc top 10 trong số 50 thị trường logistic mới nổi trên thế giới theo bảng xếp hạng chỉ số thị trường mới nổi (Emerging Markets Index 2023).

Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam cũng đã tích cực triển khai chuyển đổi số theo chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 52/NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Tuy nhiên, ngành logistics trên phạm vi cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển. Cụ thể, theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics Việt Nam trung bình ở mức 16,8% - 17% cao hơn nhiều so với bình quân của thế giới. Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có cảng đầu mối, các trung tâm logistic lớn; sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải còn thấp.

Vì thế, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chuyên đề đánh giá sâu về thực trạng, các điều kiện và định hướng phát triển các hoạt động logistics hiệu quả, bền vững. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý gắn với 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Ban cán sự Đảng của Bộ Công thương lãnh đạo chủ trì phối hợp với các Bộ ngành, địa phương rà soát, đánh giá triển khai thực hiện quyết định 2000/QĐ-TTg và 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Về các địa phương ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ được giao để phát triển logistics tại địa phương; triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương...