Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lời cảnh tỉnh không ngoại trừ ai từ ổ dịch mới ở Bắc Kinh

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự bùng phát mới ở thủ đô của Trung Quốc là lời nhắc nhở với thế giới về một thực tế ảm đạm: Đại dịch Covid-19 sẽ còn lâu mới bị đẩy lùi, có thể trở lại bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.

Những người có liên hệ đến 'ổ dịch' chợ Xinfadi xếp hàng xét nghiệm Covid-19.  
Khi mà đại dịch dường như là điều gì đó đang xảy ra với phần còn lại của thế giới chứ không phải với Trung Quốc nữa, thì vào ngày 11/6, Bắc Kinh thông báo ca lây nhiễm Covid-19 tại địa phương đầu tiên sau 55 ngày không có ca nhiễm mới.
Bệnh nhân là một người đàn ông 52 tuổi, khẳng định đã không rời TP trong hơn 2 tuần và cũng không tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài TP. Ngay sau đó, các nhà chức trách phát hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 mới, hầu hết đều có liên quan đến một khu chợ Xinfadi ở Đông Nam Bắc Kinh.
Ngày 13/6, Bắc Kinh tái áp đặt các biện pháp "thời chiến" nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát: 1.200 chuyến bay tới và đi ở 2 sân bay của Bắc Kinh bị hủy bỏ hôm 17/6; các trường học đóng cửa chỉ 1 tháng sau khi mở lại; 3,5 triệu người ở thủ đô đã được xét nghiệm kể từ hôm 11/6 đến nay.
Trong một vài tuần trước khi dịch bệnh ở Bắc Kinh bùng phát, các nhà chức trách Trung Quốc đã tự tin khẳng định về thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 và cho rằng nước này có thể là hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo.
Tuy nhiên, các ca mắc mới cho thấy "hình mẫu" này dường như quá mong manh, khi mà các nhà chức trách Trung Quốc thậm chí nhận định virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện ở khu chợ này ngay từ tháng 4.
Rõ ràng, một thực tế ảm đạm là đại dịch Covid-19 sẽ còn lâu mới bị đẩy lùi, có thể trở lại bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.
Nhân viên giao hàng chuyển hàng trực tuyến cho cư dân sống trong khu tập thể bị phong tỏa ở Bắc Kinh. 
Bắc Kinh nói riêng và Trung Quốc nói chung đang chiến đấu trước làn sóng Covid-19 lần 2, tuy nhiên thực tế là có những quốc gia thậm chí còn chưa vượt qua làn sóng dịch bệnh thứ nhất.
"Tôi không muốn nói về làn sóng thứ 2 ngay lúc này bởi chúng ta vẫn chưa bước ra khỏi làn sóng dịch bệnh đầu tiên", Tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ nói.
Một số quốc gia ban đầu tự tin vì đã khống chế hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh cũng bắt đầu lo ngại.
Chẳng hạn Singapore và Hàn Quốc là 2 nước đều từng xử lý tốt làn sóng dịch bệnh đầu tiên, đang ngày càng lo ngại sự bùng phát dịch Covid-19 có thể khiến các nước này phải tái áp đặt một số biện pháp phong tỏa. New Zealand, quốc gia vừa công bố không còn ca mắc Covid-19 nào ngày 6/8 thì một vài ngày sau đó lại chứng kiến virus SARS-CoV-2 quay trở lại từ những người ở Anh trở về.
Một số nhà chức trách công khai thừa nhận rằng chúng ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của đại dịch Covid-19 trong một vài tháng, nếu không muốn nói là một vài năm.
"Cá nhân tôi tin rằng qua năm tới hoặc một vài năm nữa, virus này sẽ thành đặc hữu trong xã hội của chúng ta", Hitoshi Oshitani, một nhà virus học và là cố vấn Chính phủ Nhật Bản nói, đồng thời nhận định rằng ông nghi ngờ về khả năng sẽ có một loại vaccine hiệu quả, cũng như chiến lược chờ đợi miễn dịch cộng đồng là hoàn toàn vô nghĩa.