Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗi “dây chuyền” xuất bản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ồn ào xung quanh cuốn "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú" do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành có nhiều đoạn nhạy cảm, người ta càng thấy rõ hơn lỗ hổng trong "dây chuyền" xuất bản sách ở Việt Nam, đặc biệt là sách dành cho thiếu nhi.

Đây không phải lần đầu tiên ngành xuất bản vướng phải những lùm xùm như thế này.
Nhiều sai phạm
Không phủ nhận, những tác phẩm "Hào khí đất phương Nam", "Cậu bé rồng", "Lịch sử Việt Nam bằng tranh", "Một thuở nước non này", "Thần đồng đất Việt"... đã trở thành những "món ăn" bổ ích cho độc giả nhí trong mùa hè qua. Song, bấy nhiêu tác phẩm về lịch sử và danh nhân Việt là quá ít so với truyện mua bản quyền từ nước ngoài. Đáng buồn, nhiều truyện cổ tích sau khi chuyển thể sang truyện tranh đã bị cắt gọt, không đúng hoặc sai lệch so với nội dung ban đầu. Như "Sự tích bánh chưng bánh dày", Lang Liêu mơ thấy thần linh về báo mộng, bày cách làm món ăn từ hạt gạo để dâng vua cha được biến tấu thành cảnh Lang Liêu mơ thấy mình lạc vào cuộc thi "Vào bếp với người nổi tiếng", đại hoàng tử bị ngộ độc thực phẩm vì những món ăn tự chế cốt để dâng vua. Còn anh Khoai trong "Cây tre trăm đốt" được nhuộm tóc màu xanh lá cây...

 
Bìa cuốn sách đang gây xôn xao dư luận.
Bìa cuốn sách đang gây xôn xao dư luận.
Trong khi đó, ở mảng truyện tranh nhập ngoại, các tác phẩm dịch từ nước ngoài của Nhật Bản, Trung Quốc như: "Doremon", "Thám tử lừng danh Conan", "Ô long viện"… rất hút bạn đọc nhí. Nhưng, báo giới cũng đã chỉ ra không ít sách có hình ảnh, nội dung không phù hợp với thiếu nhi Việt Nam. Như những nữ sinh với trang phục hở hang, váy siêu ngắn cùng những câu thoại nhạy cảm trong "Chuyện tình nữ sinh". Còn các tựa sách được nhiều học sinh tìm đọc tại các cửa hàng thuê truyện như: "Nụ hôn đầu", "Con nhà giàu", "Lần đầu trải nghiệm", "Ichigo - Kỷ niệm xanh", "Hoa hồng xứ khác"... có nhiều hình ảnh nữ sinh mặc đồ lót, các đôi nam nữ mặc đồng phục học sinh ôm hôn nhau… Bên cạnh mảng truyện tranh dành cho thiếu nhi, các nhà xuất bản cũng cho ra đời nhiều truyện được đóng mác 13+, 14+, 15+… phục vụ đối tượng tuổi mới lớn. Tuy nhiên, việc gắn mác đôi khi không phải để giới hạn độ tuổi, mà để kích thích sự tò mò của độc giả.

Lỗi hệ thống

Theo mổ xẻ của giới chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ngành xuất bản đang bị… lỗi hệ thống. Từ khâu sáng tác, chọn sách để mua bản quyền dịch đến việc thực hiện, rồi kiểm duyệt trước khi cấp phép in và sau khi nộp lưu chiểu đều không chặt chẽ, cẩn trọng. Vậy thì, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi những ấn bản phẩm được cho là độc hại, "bẩn", "rác"… vẫn được xuất bản và bày bán trên thị trường?

Ông Phạm Quốc Chính - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành cho rằng: "Để lọt những cuốn sách có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đặc biệt là trẻ nhỏ như trường hợp cuốn "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú", lỗi trước hết thuộc trách nhiệm Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Bởi lẽ, nhà xuất bản chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức của truyện".

Về phía nhà quản lý, tất nhiên, họ không thể chối bỏ trách nhiệm trong chuyện này. Nhưng, lực lượng thanh tra ngành xuất bản hiện nay còn mỏng, vì lợi nhuận và chạy theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, nhiều đơn vị vẫn cho phát hành những ấn phẩm thiếu lành mạnh. Và dù công tác thanh, kiểm tra đã tiến hành và xử phạt, nhưng chỉ vài tháng sau, "rác thải văn hóa" lại được bày bán với tên gọi, bìa khác nhằm đánh lừa các cơ quan chức năng. Mặt khác, chủ các cửa hàng, đơn vị bán, phát hành truyện hoặc cho thuê truyện tranh cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu họ kiên quyết không bán, phát hành những ấn phẩm "bẩn" thì những ấn phẩm độc hại sẽ không đến tay người đọc, dần dần sách "rác" sẽ không tồn tại được. Cha mẹ, thầy, cô giáo cũng cần có trách nhiệm hơn trong khâu quản lý sách đọc của trẻ, để thế hệ tương lai được đọc những tác phẩm lành mạnh, có ích. Và, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của những người làm nghề sách, xuất bản. Họ cần đặt lợi ích phát triển trí tuệ cho trẻ lên trên hết, chứ không phải mục tiêu kinh tế.