70 năm giải phóng Thủ đô

Lời giải cho ùn tắc cầu Chương Dương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ùn tắc giao thông (UTGT) là hiện tượng diễn ra phổ biến, và là bài toán chưa có đáp án cuối cùng tại các đô thị lớn. Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ khi mỗi ngày có hàng trăm ngàn lượt phương tiện di chuyển ra, vào TP.

Tình trạng UTGT, nhất là tại các cửa ngõ nối vào TP như cầu Chương Dương về lâu dài có thể tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Cầu Chương Dương là một trong những nút giao thông quan trọng, cửa ngõ khu phía Đông TP, kết nối giao thương với các tỉnh phía Bắc, được đưa vào sử dụng từ năm 1985. Tuy đã có rất nhiều cây cầu, tuyến đường khác làm nhiệm vụ san sẻ gánh nặng, giảm sức ép phương tiện giao thông ra, vào TP, song cảnh ùn tắc tại cầu Chương Dương vào giờ cao điểm vẫn chưa thực sự được xử lý triệt để. Vì vậy, phân làn đường, điều tiết giao thông trên cầu một cách hợp lý sẽ là lời giải hiệu quả cho tình trạng này.

 
Vòng xuyến lên cầu Chương Dương phía đường Trần Nhật Duật. 	Ảnh: Công Hùng
Vòng xuyến lên cầu Chương Dương phía đường Trần Nhật Duật. Ảnh: Công Hùng
Để ý quan sát, có thể thấy số lượng phương tiện tham gia giao thông tại hai chiều của cầu Chương Dương rất khác biệt. Vào giờ cao điểm buổi sáng, lưu lượng phương tiện từ phía ngoại thành (phía Gia Lâm) vào trung tâm rất lớn. Tình trạng UTGT thường diễn ra ở làn đường này. Ngược lại, buổi chiều, giờ cao điểm, làn đường đi từ trung tâm TP về phía ngoại thành lại có mật độ phương tiện cao hơn.

Cầu Chương Dương được thiết kế với 4 làn đường: 2 làn giữa rộng hơn 5m dành cho ô tô, 2 làn ngoài rộng gần 2m dành cho xe máy. Căn cứ vào tình hình thực tiễn đó, để giảm thiểu tắc nghẽn phương tiện khi đi qua cầu, có thể bố trí giờ cao điểm buổi sáng thay vì 2 làn vào, ra song song cho mỗi bên bố trí thành 3 làn đường cho phương tiện đi từ ngoại thành vào. Cụ thể, 2 làn ở giữa dành cho ô tô. Làn ngoài cùng là xe máy, hướng Gia Lâm - Hoàn Kiếm. Còn lại, các phương tiện cả xe máy, ô tô đi từ trung tâm ra ngoại thành sẽ đi một làn ngoài chiều đi Hoàn Kiếm - Gia Lâm. Như vậy, đường từ ngoại thành di chuyển vào sẽ có thêm một làn, khiến áp lực UTGT giờ cao điểm theo đó cũng giảm 1/3. Với buổi chiều, cách thức này lại áp dụng ngược lại: Dành 3/4 cho làn đi từ trung tâm ra, 1/3 cho từ ngoại đô vào trung tâm.

Bên cạnh việc tăng làn ưu tiên cho dòng phương tiện có lưu lượng lớn giờ cao điểm, thì việc triển khai, phân làn, luồng di chuyển hợp lý cũng là giải pháp giảm ùn tắc cho nút giao thông cầu Chương Dương. Các phương tiện từ hướng ngoại thành vào trung tâm TP, khi qua cầu sẽ rẽ theo 2 hướng Bác Cổ và Tây Hồ, 2 hướng rẽ này lại xuống ở ngay đầu cầu phía Nam, do vậy, nên tiến hành phân làn ngay từ bên phía Bắc của cầu để tránh tình trạng lộn xộn. Cụ thể, bắt đầu tiến hành phân làn cách đầu cầu phía Bắc khoảng chừng 500m. Ô tô đi về hướng Bác Cổ sẽ đi vào làn trong cùng, ô tô về phía Tây Hồ đi làn kế bên, xe máy đi làn ngoài cùng. Việc phân làn cần được thực hiện một cách nghiêm túc và có biển hiệu chỉ dẫn cụ thể. Với những phương tiện vi phạm, cần xử phạt nặng. Đối với giờ cao điểm buổi chiều sẽ áp dụng phân làn ngược lại. Phương tiện đi về hướng Gia Lâm sẽ đi vào làn trong cùng, các phương tiện đi về Bát Tràng sẽ đi làn kế.  

Như vậy, với việc phân làn đường hợp lý, điều tiết luồng ưu tiên khoa học, tình trạng ùn tắc trên cầu Chương Dương sẽ được cải thiện tối đa. Tuy nhiên, để tắc nghẽn không xảy ra, hơn bao giờ hết vẫn cần sự vào cuộc của tất cả mọi người tham gia giao thông, nhất là trong việc nâng cao ý thức, văn hóa ứng xử khi di chuyển trên đường.