Lợi ích
Theo TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chế độ ăn Keto hay Ketogenic là chế độ ăn ít carbohydrate, vừa phải protein và nhiều chất béo. Đây là chế độ ăn có nhiều điểm tương đồng với low-carb, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe dựa trên nguyên lý: Khi cắt giảm lượng carb trong khẩu phần ăn và thay thế bằng chất béo, cơ thể sẽ thiếu hụt lượng đường (glucose) để tạo năng lượng. Do đó, cơ thể sẽ sản sinh năng lượng bằng cách phân hủy các chất béo thành các “ketone”. Quá trình này là một trạng thái chuyển hóa của cơ thể được gọi là “ketosis” – trạng thái khiến cơ thể tăng cường đốt cháy mỡ để sản sinh năng lượng khi bị thiếu hụt carb. Sau một thời gian, cơ thể sẽ không còn phụ thuộc vào carbohydrate nữa, mà chuyển sang dùng mỡ thừa trong cơ thể để tạo ra năng lượng.
TS Trương Hồng Sơn cho rằng, chế độ ăn Keto có 3 lợi ích nổi bật, giúp giảm cân, ngăn ngừa tiểu đường và hỗ trợ điều trị một số rối loạn chức năng não bộ như động kinh, Alzheimer và Parkinson. Về vấn đề giảm cân, nhiều nghiên cứu cho thấy, các món ăn Keto có ưu điểm vượt trội so với chế độ ăn ít chất béo thông thường. Các món ăn trong thực đơn Keto sẽ khiến cơ thể có cảm giác nhanh no hơn, giúp con người giảm cân không cần phải tính toán hoặc theo dõi sát sao lượng calo từ thực phẩm trong mỗi lần ăn.
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, người thực hiện chế độ ăn này có thể giảm cân nhanh hơn 2,2 lần so với những người thực hiện chế độ ăn ít chất béo và cắt giảm calo nghiêm ngặt. Lượng triglyceride (thành phần chủ yếu trong dầu thực vật và mỡ động vật) và HDL cholesterol (HDL là một dạng chất béo có lợi cho cơ thể) cũng được cải thiện đáng kể. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy, người thực hiện chế độ ăn Keto cũng giảm cân hiệu quả gấp 3 lần so với những người thực hiện chế độ ăn theo khuyến nghị của Hiệp hội Tiểu đường Anh quốc.
Ăn kiêng theo chế độ Keto cũng giúp cơ thể đốt cháy mỡ, giảm lượng calo và làm tăng cảm giác no hơn so với những chế độ ăn giảm cân khác.
Đối với bệnh tiểu đường, bệnh xảy ra khi cơ thể có các rối loạn chuyển hóa, mỡ máu cao và suy giảm chức năng insulin. Trong khi đó, chế độ ăn Keto có thể giúp cơ thể đốt cháy lượng mỡ thừa, yếu tố liên quan mật thiết với tiểu đường, tiền tiểu đường và các hội chứng chuyển hóa. Đặc biệt, Keto có hiệu quả hơn đối với tiểu đường type 2 - loại tiểu đường có thể cải thiện nhiều dựa trên những thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập.
Đáng chú ý, theo TS Trương Hồng Sơn, thực đơn Keto hỗ trợ điều trị rối loạn chức năng não. Một nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins cho thấy, hơn 50% trẻ em thực hiện chế độ ăn Keto có thể giảm hơn một nửa số cơn động kinh, trong khi 16% hoàn toàn chấm dứt hẳn căn bệnh. Ngoài ra, chế độ ăn Keto còn được nghiên cứu công dụng tác động đối với một số căn bệnh khác như Alzheimer và Parkinson nhưng cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định chắc chắn mối liên hệ này.
Nguy cơ rối loạn chuyển hóa
Tại Việt Nam, chế độ ăn kiêng Keto đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt đối với những người có nhu cầu giảm cân. Tuy nhiên, nếu không thật sự hiểu rõ về Keto thì việc áp dụng có thể ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.
Bởi giống nhiều chế độ ăn kiêng khác, Keto cũng chỉ là một giải pháp ngắn hạn, không phải chế độ ăn kiêng lâu dài và bền vững. “Thực đơn Keto có hàm lượng chất béo bão hòa cao, liên quan trực tiếp đến bệnh tim. Ngoài ra, tình trạng thiếu chất dinh dưỡng và táo bón có thể xảy ra vì thực phẩm trong chế độ Keto ít chất xơ. Với những người gặp vấn đề về gan, tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn vì Keto sẽ gây ra ức chế, căng thẳng cho gan do phải phá hủy mỡ liên tục và giải phóng quá nhiều ketone, ảnh hưởng không ít tới quá trình chuyển hóa. Vấn đề về đào thải ở thận cũng có thể gặp phải”- TS Trương Hồng Sơn lưu ý.
Đồng thời cho rằng, việc áp dụng chế độ ăn Keto sẽ phù hợp và hiệu quả với một số đối tượng nhất định và không nên kéo dài. Đó là những người thừa cân, tiểu đường hay tiền tiểu đường hoặc những người muốn cải thiện sự trao đổi chất trong cơ thể. Keto có thể sẽ không phù hợp với các vận động viên chuyên nghiệp hoặc người tập thể hình muốn tăng cơ, người gầy hoặc người cân đối muốn duy trì cân nặng và vóc dáng.
Tuy nhiên, TS Trương Hồng Sơn cũng đưa ra khuyến cáo, dù áp dụng bất kỳ chế độ ăn nào, việc luyện tập thể thao hàng ngày một cách phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe vẫn rất quan trọng. Mỗi người nên duy trì để có một sức khỏe tốt, tăng cường sức đề kháng và phòng chống bệnh tật.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để giảm cân bền vững và mạnh khỏe, phải thực hiện theo nguyên tắc cân bằng năng lượng đầu vào, đầu ra. Năng lượng đầu vào phải giảm và đầu ra tăng lên. Các chuyên gia khuyến nghị, để giảm cân an toàn, mỗi người cần giảm từ từ và kiên trì, giảm cân chỉ 5 - 10% trọng lượng cơ thể chứ không thể giảm ồ ạt, gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng. |