Nhiều năm trước đây, gia đình ông Đinh Văn Hòa (xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức) chỉ chuyên canh cây lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp Hà Nội, gia đình ông đã chuyển sang mô hình lúa - cá, với diện tích 6ha. Ruộng lúa được thả các loại cá như cá trắm cỏ, cá chép, cá rô..., mỗi năm thu hoạch 2 vụ, với giá trị thu nhập 250 triệu đồng/vụ. Mô hình này vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng.
Nhận thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình lúa - cá, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển và nhân rộng mô hình này. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Hội Nông dân xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) hỗ trợ 45.000 con cá giống chép V1 cho nông dân xã Sài Sơn tham gia mô hình lúa - cá, với diện tích hơn 3ha tại thôn Đa Phúc. Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê, các hộ tham gia mô hình lúa - cá được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% cá giống, 50% vật tư, thức ăn công nghiệp và 50% chế phẩm sinh học để xử lý nước. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả và tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đánh giá về kết quả của mô hình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho biết, năm 2022, Trung tâm triển khai mô hình lúa - cá với quy mô 15ha, tại 5 huyện: Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai. Qua triển khai thực tế cho thấy, mô hình tạo hiệu quả kép, do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa, tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa. Cụ thể, nuôi trồng thủy sản trên đất một lúa cho hiệu quả kinh tế cao; cá sinh trưởng, phát triển tốt, khi thu hoạch cá đạt trung bình hơn 0,9kg/con, năng suất đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận từ 80 - 90 triệu đồng/ha, cao hơn 4,6 lần so với cấy lúa truyền thống.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.