Lợi nhuận công ty chứng khoán quý I sụt giảm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TTCK từ đầu năm 2015 đến nay trồi sụt về điểm số, với thanh khoản giảm mạnh, đang tạo sức ép rất lớn với các CTCK trước kỳ công bố kết quả kinh doanh quý I.

Sụt giảm khó tránh

CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2015 của Công ty ước đạt trên 10 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân cơ bản là TTCK diễn biến không thuận lợi, ảnh hưởng đến cả nghiệp vụ môi giới và tự doanh.

Tương tự, tại CTCK Ngân hàng Công thương - VietinbankSC (CTS), lợi nhuận sau thuế quý I/2015 ước đạt 11,5 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2014. Theo lãnh đạo VietinbankSC, đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của Công ty là hoạt động tự doanh và môi giới. Chính vì vậy, sự sụt giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản của thị trường đã ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả kinh doanh trong quý I/2015 của Công ty.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Không chỉ ghi nhận sự sụt giảm về lợi nhuận, nhiều CTCK còn dự báo sẽ lỗ trong quý đầu tiên của năm. CTCK Kim Long (KLS) chia sẻ, quý I/2015, KLS ước lỗ khoảng 39 tỷ đồng, chủ yếu do hoạt động tự doanh giảm. Theo KLS, tính đến thời điểm hiện tại, danh mục hoạt động tự doanh của KLS ước khoảng 700 tỷ đồng, trong khi quý I, KLS phải trích dự phòng hơn 50 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 7%. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc Công ty phải ghi nhận lỗ trong hoạt độngkinh doanh quý I. KLS hy vọng đây là giai đoạn “đáy” của thị trường, nên Công ty vẫn liên tục mua vào cổ phiếu, với khối lượng mua vào nhiều nhất khoảng 20 tỷ đồng/phiên.

Tuy chưa công bố cụ thể, nhưng lãnh đạo CTCK MBS cho biết, Công ty khó có thể ghi nhận lãi trong quý I năm nay.

Đà sụt giảm mạnh mẽ về thanh khoản của TTCK (có nhiều phiên giao dịch chỉ còn 1.500 tỷ đồng - 2.000 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với mức 5.000 tỷ đồng/phiên diễn ra thường xuyên trong quý I/2014) là nguyên nhân khách quan kiến nhiều CTCK gặp khó. Thông tư 36/2014/TT-NHNN được xem là một trong những yếu tố đã tác động trực tiếp đến dòng tiền vào TTCK khi hạn chế tỷ lệ cho vay đầu tư vào cổ phiếu của các ngân hàng chỉ ở mức 5% vốn điều lệ. Các ngân hàng có nợ xấu trên 3% còn không được cung ứng dịch vụ cho vay này. Dòng tiền vay từ ngân hàng bị hạn chế, CTCK không có khả năng xoay xở dòng tiền mới, đã khiến nhiều công ty phải từ chối khách hàng. Nhiều nhà đầu tư chạy “loanh quanh” từ công ty này sang công ty khác, nhưng dòng tiền bị suy giảm, khiến khả năng giao dịch của nhà đầu tư bị hạn chế. Thanh khoản suy giảm, CTCK suy giảm lợi nhuận là tất yếu.

Bên cạnh hoạt động môi giới và tự doanh, nguồn thu góp phần không nhỏ của Công ty đến từ các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng đang dần trở nên khó khăn hơn, khi nguồn vốn cho vay mới không dễ huy động được và mặt bằng lãi suất đang theo xu hướng giảm. Điều mong đợi lớn nhất của các CTCK là TTCK sẽ khởi sắc trở lại và dòng tiền đầu tư được “trả tự do” hơn, thị trường sẽ được vận động theo quy luật cung - cầu, chứ không bị ép chặt vào các nguyên tắc quản trị rủi ro, hay mệnh lệnh hành chính mà Bộ Tài chính, NHNN quy định. 

Kỳ vọng các quý sau

Nhìn một cách tổng thể, nền kinh tế vĩ mô đã có sự tăng trưởng cao ngay trong quý I/2015 và dự báo tiếp tục tăng trưởng 6 - 6,2% trong năm 2015. Với CPI kỳ vọng có mức tăng thấp quanh 4%, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm. CTCK MB (MBS) kỳ vọng, lãi suất sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới. Nếu lãi suất tiếp tục hạ thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất và là yếu tố “níu” dòng tiền đầu cơ ở lại với thị trường năm 2015.

Với góc nhìn lạc quan, ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) cho biết, hiện chưa có con số cụ thể về lợi nhuận quý I/2015, nhưng ACBS ước đạt tương tự so với cùng kỳ năm 2014. ACBS đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ tăng trưởng khoảng 25% so với năm 2014, tương đương với khoảng 390 tỷ đồng lợi nhuận. 

VCBS cũng cho biết, Công ty kỳ vọng lợi nhuận những quý tiếp theo sẽ cao hơn so với quý I. Năm 2015, VCBS kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 150 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2014.

Như đã phân tích, do có hai mảng hoạt động chính là tự doanh và môi giới, nên hiệu quả hoạt động của CTCK thường “phập phù” theo thị trường. Cũng vì thế, con số lợi nhuận quý I/2015 “chưa nói lên điều gì” đáng kể về lợi nhuận cả năm 2015. Biến động bất thường của thị trường đã buộc các CTCK phải ghi nhận các khoản dự phòng giảm giá chứng khoán, điều này làm giảm lợi nhuận tức thời, thậm chí từ lãi sang lỗ và ngược lại. Mặc dù vậy, hầu hết các CTCK  đều tin vào kịch bản từ nay đến cuối năm, TTCK sẽ chuyển biến theo chiều hướng tăng chậm và chắc, là yếu tố giúp các CTCK bật lên, ghi nhận lợi nhuận lạc quan vào cuối năm. /.     

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần