Lợi nhuận ngân hàng: Những gam màu sáng, tối

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ nhiều ngân hàng cho thấy bức tranh lợi nhuận quý II/2022 vẫn sáng màu. Các ngân hàng dự báo có khoản thu đáng kể từ hoạt động tín dụng, cùng với đó là nguồn thu lớn đến từ hoạt động kinh doanh ngoài lãi, áp lực trích lập dự phòng rủi ro giảm…

Tín dụng tăng, thu ngoài lãi vẫn tích cực

Ngân hàng TMCP TPBank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, trong quý II/2022, ngân hàng bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận với gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ, tương ứng tăng gần 34% so với quý I đã đưa lợi nhuận lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.

Nợ xấu, trái phiếu bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro
Nợ xấu, trái phiếu bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro

Vietcombank dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá sau 2 năm chấp nhận giảm lãi hỗ trợ khách hàng. Trong 5 tháng đầu năm, Vietcombank tăng trưởng lợi nhuận 30% nhờ tín dụng phục hồi mạnh mẽ và huy động tiền gửi không kỳ hạn tiếp tục tăng trưởng.

Ngoài Vietcombank, nhiều ngân hàng TMCP ước tính lợi nhuận nửa đầu năm nay tăng 20 - 40%, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng bằng vài lần. Ngay cả nhà băng vừa trải qua quá trình tái cấu trúc bộ máy hoạt động như Eximbank, cũng dự kiến kết quả kinh doanh được cải thiện trong 2 quý đầu năm.

Eximbank ước tính, nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái, riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 của ngân hàng này tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Nền kinh tế phục hồi tốt hậu Covid-19 (GDP quý II/2022 tăng 7,72%, cao nhất trong 10 năm qua), tín dụng tăng mạnh so với cùng kỳ. Tính đến hết ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn mức 6,47% của cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, các ngân hàng dự báo có khoản thu đáng kể từ hoạt động tín dụng, cùng với đó là nguồn thu lớn đến từ các hoạt động kinh doanh ngoài lãi, áp lực trích lập dự phòng rủi ro giảm…

Thu nhập phí sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng, với 2 nhân tố đóng góp chính là doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ. Trong đó, doanh thu bancassurance, đặc biệt là khoản phí trả trước từ các thỏa thuận độc quyền vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 như thỏa thuận giữa Vietinbank với Manulife, Maritime Bank với Prudential, VPBank với AIA, VCB đã ký hợp đồng bancassurance độc quyền (thời hạn 15 năm) với FWD, và Sacombank với Dai-ichi Life… sẽ thúc đẩy thu nhập phí của các ngân hàng và cả toàn ngành. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng doanh thu từ bancassurance của các nhà băng trên sẽ đóng góp khoảng 50% vào tổng thu nhập phí của toàn ngành.

Bên cạnh đó, khảo sát của Vietnam Report cho biết, nhờ việc số hóa hoạt động, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) của hầu hết ngân hàng đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, giúp cho lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn. Ngoài ra, thống kê của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) công bố tỷ trọng tín dụng bán lẻ các ngân hàng niêm yết đã tăng từ mức 31% năm 2015, lên mức 45% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý I/2022, trong đó các sản phẩm cho vay mua nhà, mua ô tô, tài chính tiêu dùng đều ghi nhận mức tăng tích cực.

Bên cạnh động lực đến từ sự phục hồi của nền kinh tế, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng được đánh giá là một trong những động lực hỗ trợ doanh nghiệp và gián tiếp tới hệ thống tài chính là ngân hàng.

6 tháng cuối năm: Rủi ro nợ xấu, lạm phát

Bên cạnh những mảng màu sáng, bức tranh toàn cảnh ngành ngân hàng cũng bắt đầu xuất hiện gam màu xám. Triển vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm của các ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào room tín dụng mà NHNN. Ngoài room tín dụng, yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm 2022 là lãi suất.

Theo SSI Research, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, NIM của ngân hàng cũng chịu áp lực thu hẹp và các nguồn thu ngoài lãi sẽ giảm tốc trong quý III và quý IV. Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng đáng kể thời gian qua. Thời gian tới, áp lực lạm phát có thể khiến nhiều ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động, song lãi suất cho vay chưa thể tăng ngay mà có độ trễ nhất định.

SSI Research cũng dự báo nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm. Theo đó, ngoài việc không còn lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm NHTM Nhà nước sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.

Nợ xấu có xu hướng tăng lên và cũng là một trong những thách thức lớn nhất của toàn ngành trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020.

“Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng có thể tăng lên mức 2,3 - 2,5%, nợ xấu gộp khoảng 6% trong năm 2022 và có thể ở mức cao hơn khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định lợi nhuận của các ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu.

“Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, qua đó làm giảm lợi nhuận trong năm nay”, chuyên gia của Yuanta nhận định. Ngoài ra, những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi.

Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc cho vay kinh doanh bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này, đã gây ra sự gián đoạn về vòng quay vốn cũng như thanh khoản (25% trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn vào năm 2022, và 65% đến hạn vào năm 2023, năm 2024), làm tăng chi phí tài chính cho các chủ đầu tư bất động sản. Rủi ro này sẽ dần được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng từ năm 2023.