Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi thế vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ vẫn chưa được khai thác hiệu quả

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương trong và ngoài nước. Song đây vẫn bị coi là “vùng trũng” bởi những điểm nghẽn nhất định.

Ngày 27/9, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”.

Ban Tổ chức điều hành Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Ban Tổ chức điều hành Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Vùng trũng phát triển kinh tế

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  Hoàng Quang Phòng cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.

Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Tuy nhiên, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Bởi, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.

Phó Chủ tịch VCCI  Hoàng Quang Phòng  chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ tịch VCCI  Hoàng Quang Phòng  chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Vì vậy, liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối, mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá.

Sự liên kết toàn diện sẽ giúp các địa phương trong vùng biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành tiềm lực, biến tiềm lực thành nguồn lực, để vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thể phát triển đột phá, bắt kịp các vùng kinh tế động lực khác.

“Nếu liên kết vùng tại tất cả các vùng được đẩy mạnh, thì tình  hình kinh tế - xã hội của từng vùng và của cả nước chắc chắn sẽ có bước đột phá. Quan trọng hơn cả, khi liên kết nội vùng được phát triển, doanh nghiệp sẽ tìm thấy sức hút riêng có của Vùng” - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Gần nhà xa ngõ

Tuyên Quang là một tỉnh nhiều tiềm năng, song Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho rằng, nút thắt giao thông chính là điểm nghẽn của khu vực này. 3 điểm nghẽn lớn đang cần tập trung cao độ là quy hoạch, hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông, Tuyên Quang đã coi phát triển kinh tế rừng bền vững là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế. Tập trung kiểm soát chặt chẽ với tinh thần rừng đặc dụng phải bảo vệ, đảm bảo giữ vững diện tích rừng đặc dụng nhằm phát huy giá trị cảnh quan rừng đặc dụng làm du lịch.

“Với xu thế của ngành du lịch đang dần chuyển sang du lịch rừng, cùng ưu thế có nhiều di tích lịch sử quan trọng, Tuyên Quang đang triển khai các dự án khai thác rừng đặc dụng để phát triển du lịch” - ông Nguyễn Văn Sơn nói. Do đó đề nghị, các bộ, ban ngành cần chú ý đến 2 nút thắt của địa phương là bảo vệ rừng đặc hộ và rừng đặc dụng. Qua đó, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo sinh kế cho người dân, giữ được rừng.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh minh họa
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai  Hoàng Quốc Khánh cho biết, một trong những nguyên nhân là "năng lực kết nối giao thông”, bao gồm cả trục dọc và trục ngang còn nhiều hạn chế, hạ tầng chưa đồng bộ, mới chỉ nghiêng về giao thông đường bộ.

Vô hình chung dẫn đến tình trạng các địa phương trong vùng như những người hàng xóm "gần nhà xa ngõ". Muốn từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nhanh nhất chỉ có cách đi về Hà Nội. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội giao thương, xúc tiến đầu tư của các tỉnh trong vùng.

Từ thực tế, ông kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy liên kết vùng.

Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Vùng và Địa phương (Ban Kinh tế Trung ương) Hoàng Trường Giang cho rằng, hiện có 3 vấn đề lớn với vùng liên quan nhiều đến doanh nghiệp là công tác quy hoạch còn chậm, số tỉnh phê duyệt quy hoạch chung còn ít; Cơ sở hạ tầng, nhất là các đường giao thông kết nối các tỉnh và địa phương còn hạn chế; Cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư vẫn còn chậm.

Do đó, ông Hoàng Trường Giang đề nghị các cấp, các ngành và địa phương cần chủ động hơn nữa, đồng hành với doanh nghiệp trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn, từ đó mở rộng luồng đầu tư vào vùng.