Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Long trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Tạ Quang Bửu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng nay, ngày 23/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo long trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo – PV)

KTĐT - Sáng nay, ngày 23/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo long trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo – PV)

Lễ kỷ niệm được tổ chức tại Hội trường mang tên ông, Hội trường Tạ Quang Bửu, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi ông làm Giám đốc từ 1956 đến 1961.

Đến dự Lễ kỷ niệm có cụ Hoàng Kim Oanh, vợ của cố Giáo sư Tạ Quang Bửu và thân nhân.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cố Giáo sư Tạ Quang Bửu là người trợ lý đắc lực của Bác Hồ, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua khó khăn. Trong lĩnh vực giáo dục, ông là người đặt nền móng cho nền giáo dục thi cử nghiêm túc… Ông là tấm gương sáng của việc học tập suốt đời, là người thầy của nhiều nhà khoa học, là người cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung.

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh, với trọng trách là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra khốc liệt, cố Giáo sư Tạ Quang Bửu đã chỉ đạo hoạt động giáo dục và đào tạo, đảm bảo nhu cầu cán bộ khoa học cho tiền phương, bảo vệ đội ngũ cán bộ giảng dạy, học sinh sinh viên cũng như cơ sở vật chất của ngành.

“Có thể nói, thành tựu của nền giáo dục đại học thời kỳ chống Mỹ gắn liền với những đóng góp to lớn của Giáo sư Tạ Quang Bửu,” ông Luận nói.

Cố Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910 trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Năm 1926, sau khi đỗ đầu tú tài bản xứ, đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông được nhận học bổng của Hội Như Tây Du học và sang Pháp học. Ông thi đỗ vào trường Centrale A Paris năm 1930, học toán ở các trường Đại học Paris và Đại học Bordeaux của Pháp, Đại học Oxford ở Anh.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Bác Hồ giao làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao và là thành viên Hội đồng Kiến thiết Quốc gia.

Từ tháng 3/1946, dù chưa kết nạp Đảng, ông vẫn được tin tưởng giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 7/1947, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 8/1947 đến tháng 8/1948, ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao.

Từ tháng 9/1948 đến năm 1961, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và kiêm nhiệm nhiều cương vị khác như Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội (từ 1956 đến 1961), Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1959)…

Năm 1965 đến 1976 ông được giao làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông là một trong những người đặt nền móng cho Viện Khoa học Việt Nam; góp phần phát triển các ngành khoa học cơ bản như Địa lý, Địa chất, Hán- Nôm; đặt cơ sở đầu tiên để phát triển ngành Khảo cổ, Tin học; tạo tiền đề cho các ngành khoa học như Vật lý hạt nhân, Điều khiển học, Nhiệt đới hóa, Dầu khí… của Việt Nam.

Ông cũng là người có nhiều công lao trong việc xây dựng trường đại học kỹ thuật đầu tiên của đất nước, trường Đại học Bách khoa.

Khi giặc Mỹ thả thủy lôi phong tỏa toàn bộ đường biển Việt Nam, ngăn chặn sự chi viện của bạn bè quốc tế, ông đã trực tiếp chỉ đạo một tổ công tác đặc biệt nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị phá hủy thủy lôi bằng từ trường với hiệu quả cao.

Ông còn là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VI, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Xô.

Với những cống hiến to lớn của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương hạng Nhất như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất…

Giáo sư Tạ Quang Bửu mất ngày 21/8/1986 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, thọ 76 tuổi.

Để tưởng nhớ đến Giáo sư, đã có nhiều công trình mang tên ông như Trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng Tạ Quang Bửu ở Huế, tàu khảo sát đo đạc biển Tạ Quang Bửu của Quân chủng Hải quân, Thư viện Tạ Quang Bửu của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tên ông còn được đặt cho các con đường ở sáu thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Đông Hà, Huế và thành phố Đà Nẵng./.