Lớp học đặc biệt ở xóm Đèo Chim Hút

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 12 năm, cô giáo Đinh Thị Kem gắn chặt đời mình với trẻ em xóm nhỏ gần Đèo Chim Hút- vùng đất khốn khó nhất xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), nơi có 100% dân số là người đồng bào H’re.

Cô giáo H’re miệt mài gieo chữ

Trong lớp học nhỏ ven đường chính dẫn vào xóm Đèo, cô Đinh Thị Kem (36 tuổi, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đang rèn chữ, tập đọc cho các em học sinh lớp 1, lớp 2.

Cô Kem kèm cặp từng học sinh trong lớp (ảnh Hà Phương).
Cô Kem kèm cặp từng học sinh trong lớp (ảnh Hà Phương).

“Lớp chỉ có vỏn vẹn 6 em người H’re. Đây đều là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ không có phương tiện hoặc do quá neo người, không thể đưa xuống điểm chính ở trung tâm xã để học”, cô Kem nói.

Nhẩm tính từ khi ra trường, cô giáo Kem về dạy tại xóm Đèo đến nay đã hơn 12 năm. Thời gian trôi qua, cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng bà con nơi xóm núi ở gần Đèo Chim Hút này vẫn nghèo khó. Điểm trường lẻ cô Kem đang phụ trách cũng là nơi thời thơ ấu, cô biết viết những chữ đầu tiên.

Về sau này, có chủ trương bỏ điểm trường lẻ nên các em xuống điểm trường chính để học. Điểm lẻ ở xóm Đèo vẫn được duy trì vì là nơi có lớp học “đặc biệt”, giành cho các em lớp 1, lớp 2 là con của người H’re trong xóm.

Các em học sinh trổ tài hội họa (ảnh Hà Phương).
Các em học sinh trổ tài hội họa (ảnh Hà Phương).

Các em ít hoặc không biết tiếng Việt, nếu vừa đến tuổi lớp 1 đã đưa xuống điểm chính thì chắc chắn không thể theo kịp chương trình vì không hiểu tiếng.

“May mắn mình là người đồng bào nên giao tiếp với các em thuận lợi, nhưng cũng phải kèm cặp từng em, bởi các em học khá chậm, phụ huynh ở nhà cũng ít hướng dẫn thêm. Dạy được các em biết viết, biết đọc và hiểu được tiếng Việt thì sang lớp 3 bắt đầu sẽ chuyển xuống điểm chính”, cô chia sẻ.

Các em hồn nhiên cùng chia nhau bịch sữa (ảnh Hà Phương).
Các em hồn nhiên cùng chia nhau bịch sữa (ảnh Hà Phương).

Sinh ra và lớn lên ngay tại xóm Đèo, cô Kem là người hiểu hơn hết về điều kiện sống của người dân xóm đèo và những thiệt thòi của con trẻ nơi đây. Cô cũng một trong rất ít người từ xóm tốt nghiệp đại học, và là người duy nhất quay trở lại để dạy cho chính đồng bào của mình.

Điểm lẻ của trường tiểu học Hành Dũng tại xóm do cô phụ trách chính với số lượng học sinh tăng - giảm tùy năm, năm đông nhất là 14 em, năm ít hơn 9 em, năm học 2023- 2024 là ít nhất, có 6 em.

Người dân xóm Đèo chủ yếu sống bằng  nghề chăn nuôi, làm rẫy hoặc làm thuê (ảnh Hà Phương).
Người dân xóm Đèo chủ yếu sống bằng  nghề chăn nuôi, làm rẫy hoặc làm thuê (ảnh Hà Phương).

“Bây giờ người dân chú trọng hơn đến việc học, vào năm học mới chuẩn bị quần áo đồng phục tươm tất cho con em, nhưng thu nhập của họ vẫn rất thấp bởi chủ yếu chăn nuôi, làm rẫy, làm thuê, đa số thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Cha mẹ bận rộn làm nương rẫy nên buổi sáng của các em cũng ít được quan tâm, ăn qua loa hoặc nhịn đói. Thậm chí có gia đình còn đưa các em cùng lên rẫy để chăn bò, chăn trâu, mình phải chạy theo xin đưa về lớp dạy”, cô Kem kể.

Bởi là điểm lẻ, nên so với ở trụ sở chính, lớp học của cô Kem còn nhiều thiếu thốn và thiệt thòi. Nhưng vượt qua tất cả, cô Kem hàng ngày bám lớp, cầm tay học trò nắn từng nét chữ, con số với hy vọng tương lai các em sẽ tươi sáng hơn.

Các em vui chơi trong giờ giải lao (ảnh Hà Phương).
Các em vui chơi trong giờ giải lao (ảnh Hà Phương).

“Ở đây khó khăn quá, học sinh trong xóm chủ yếu học đến cấp 2, cao hơn thì hết lớp 9 là nghỉ học, lo đi làm ăn. Mình cố gắng dạy cho các em, mong sẽ có lòng ham học để tiếp tục học lên cao”, cô trải lòng.

Những bữa sáng ấm lòng

Miên man trong những câu chuyện kể về xóm Đèo, ánh mắt cô Kem và các em nhỏ ánh lên niềm vui khi nhắc đến chuyện bữa ăn sáng miễn phí do đoàn xã Hành Dũng thực hiện.

“Con rất thích ăn bún, bữa nào được mấy cô chú nấu cho ăn là vui lắm, ăn rất no và ngon”, em Đinh Thị Phương Hồng (học sinh lớp cô Kem) hào hứng.

Các em học sinh hào hứng thưởng thức bữa sáng do Đoàn xã Hành Dũng thực hiện (ảnh Hà Phương).
Các em học sinh hào hứng thưởng thức bữa sáng do Đoàn xã Hành Dũng thực hiện (ảnh Hà Phương).

Như để giải thích thêm cho niềm vui của học trò, cô Kem bảo, ở xóm Đèo không có hàng quán bán đồ ăn sáng, nên chuyện ăn bún tưởng chừng như rất đơn giản với học sinh nơi khác thì lại trở thành xa xỉ với các em ở đây.

Chia sẻ về việc nấu bữa ăn sáng cho các em xóm Đèo, Bí thư Đoàn xã Hành Dũng Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết: “Vẫn biết xóm Đèo nghèo khó, nhưng mãi đến khi có một học sinh ngất xỉu sau khi chơi các trò chơi do đoàn xã tổ chức ở trường mới biết em không ăn sáng ở nhà vì ba mẹ đi rẫy từ sớm, bởi vậy mà đói, kiệt sức. Từ chuyện đó, Đoàn xã quyết tâm nấu bữa ăn sáng cho các em”.

Trước khi tổ chức, cán bộ đoàn của xã sẽ hỏi cô giáo Kem xem các em muốn ăn món gì để nấu. Việc sơ chế, nấu nướng do chính tay chị Thái thực hiện. Đến khoảng 5 rưỡi sáng, lực lượng cán bộ đoàn sẽ xuống để vận chuyển đến xóm Đèo. Kèm theo đồ ăn sáng còn có sữa tươi. Nhìn các em ăn uống ngon miệng, ai cũng thấy vui.

“Mô hình này được thực hiện từ năm 2020, trích từ kinh phí hoạt động ở cơ sở và duy trì khá thường xuyên. Sau này ảnh hưởng dịch Covid-19 nên bị gián đoạn, đến đầu năm 2023 tổ chức nấu trở lại. Bữa ăn đầu tiên được thực hiện vào ngày 12/9 với khoảng 20 suất, cho cả học sinh ở điểm lẻ và các em ở điểm chính là người xóm Đèo”, chị Thái nói.

Bí thư Đoàn xã Hành Dũng Nguyễn Thị Hồng Thái (bìa phải) chia suất ăn cho các em học sinh xóm Đèo (ảnh Hà Phương).
Bí thư Đoàn xã Hành Dũng Nguyễn Thị Hồng Thái (bìa phải) chia suất ăn cho các em học sinh xóm Đèo (ảnh Hà Phương).

Theo Bí thư đoàn xã Hành Dũng, để thực hiện mô hình này, gần đây, đoàn xã nhận được sự hỗ trợ câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái” thuộc Hội LHTN huyện Nghĩa Hành. Đoàn xã đang cố gắng duy trì thực hiện nấu 2 lần/tháng và hướng đến sẽ tổ chức nấu bữa sáng mỗi 1 lần/tuần, duy trì đến hết năm học.

“Việc nấu bữa ăn sáng thực sự rất ý nghĩa và cần thiết đối với các em học sinh xóm Đèo, chỉ mong mô hình này được thực hiện thường xuyên”, cô Kem bày tỏ.