Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Lớp học đảo ngược: đặt nền móng cho thế hệ công dân số

Kinhtedothi - Trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng, mô hình lớp học đảo ngược đang trở thành một giải pháp giáo dục hiệu quả, giúp học sinh tự học chủ động với sự hỗ trợ của công nghệ, đồng thời cho phép giáo viên kiểm soát việc lạm dụng AI.

Đây cũng là nền tảng quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Việc học không còn gói gọn trong lớp học mà cần chủ động ứng dụng công nghệ trong quá trình dạy và học.

Thay đổi tư duy lớp học truyền thống

Từ cuối năm 2022, khi các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT ra đời và phổ biến toàn cầu, khái niệm học tập và dạy học truyền thống đã không còn phù hợp. Trí tuệ nhân tạo - AI đã vượt ra khỏi phạm vi nghiên cứu hàn lâm để trở thành công cụ phổ thông, hiện diện trong mọi lĩnh vực, từ đời sống đến sản xuất và đặc biệt là giáo dục.

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, trong thời đại GenAI, việc học không còn gói gọn trong lớp học và người học cũng không thể tiếp cận tri thức theo cách thụ động như trước. Những công cụ AI không chỉ giúp học sinh giải bài tập nhanh hơn, mà còn thay đổi hoàn toàn cách họ tiếp cận kiến thức. Trên thực tế, giáo viên giao bài tập về nhà có thể bị "qua mặt" khi học sinh nhờ đến ChatGPT hoặc chính phụ huynh cũng sử dụng AI để giải bài cho con.

Chính vì vậy, một mô hình giáo dục mới cần được áp dụng để thích ứng và quản lý hiệu quả việc sử dụng AI trong học tập. Một gợi ý khả thi là mô hình "lớp học đảo ngược" - tức là học sinh sẽ tự học lý thuyết ở nhà nhờ các công cụ hỗ trợ (bao gồm AI), còn thời gian trên lớp sẽ dành để làm bài tập, thảo luận, thực hành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên.

Với mô hình này, giáo viên có thể yêu cầu học sinh vận dụng tối đa khả năng tự học bằng AI tại nhà. Những nội dung học khó sẽ được giới thiệu từ buổi trước hoặc sau đó giảng kỹ hơn khi làm bài trên lớp. Điều này không chỉ thay đổi thứ tự tiếp cận kiến thức mà còn giúp giáo viên kiểm soát tốt hơn việc sử dụng AI không đúng cách trong môi trường học tập.

Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược không đòi hỏi thay đổi toàn diện nội dung dạy học, mà chỉ cần điều chỉnh trình tự giảng dạy sao cho phù hợp với bối cảnh AI hiện hữu. Đây là phương pháp vừa đơn giản, vừa hiệu quả để giáo viên giữ vai trò chủ động, đồng thời vẫn phát huy tính tự học và khả năng ứng dụng công nghệ của học sinh.

Với những khối như giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học..., Tiến sĩ Lê Trường Tùng gợi ý giáo viên cần có những thay đổi và cố gắng thay đổi hoạt động giảng dạy một cách đơn giản nhất, dễ áp dụng nhất nhưng hiệu quả, trên cơ sở chấp nhận công nghệ thông tin, khuyến khích sử dụng AI, nâng cao chất lượng dạy và học.

Lớp học mới - nền tảng cho chiến lược đào tạo nhân lực AI

Trong bối cảnh Việt Nam xác định trí tuệ nhân tạo - AI là hạ tầng công nghệ trọng yếu, việc chuyển đổi phương pháp giáo dục không chỉ là giải pháp tình thế mà là bước đi chiến lược để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai. Điều này đã được các tập đoàn công nghệ lớn và nhiều trường đại học trong nước triển khai thử nghiệm.

Một mô hình tiên phong đang được Tập đoàn FPT áp dụng là đưa lớp học đảo ngược vào hệ thống giáo dục trung học của mình. Tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 diễn ra mới đây, ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, ở lớp học đảo ngược, học sinh không chỉ học kiến thức nền tảng mà còn được hướng dẫn tự tìm hiểu về AI, sử dụng các công cụ AI tại nhà, sau đó trình bày lại trước lớp.

Trong lớp học đảo ngược, giáo viên đóng vai trò phản biện thay vì truyền đạt kiến thức một chiều. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kỹ năng sử dụng AI, mà xa hơn là đào tạo tư duy logic, kỹ năng thuyết trình và năng lực giải quyết vấn đề - những phẩm chất then chốt của thế hệ nhân lực số.

Cùng với đó, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam đã thành lập liên minh nhân lực chiến lược nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - định hướng phát triển Việt Nam trở thành trung tâm AI và trung tâm số của khu vực vào năm 2045.

Trong các mục tiêu chiến lược được đặt ra, phát triển nguồn nhân lực AI đóng vai trò then chốt. Để làm được điều này, không thể chỉ dạy công nghệ đơn thuần, mà cần đổi mới toàn diện phương pháp sư phạm - trong đó lớp học đảo ngược chính là một công cụ phù hợp và hiệu quả, đặc biệt với thế hệ học sinh, sinh viên đang lớn lên cùng công nghệ.

AI không phải là thách thức, mà là một phần tất yếu trong tiến trình phát triển của giáo dục hiện đại. Mô hình lớp học đảo ngược không chỉ giúp giáo viên kiểm soát việc lạm dụng AI, mà còn trao quyền cho người học trong việc khám phá và làm chủ tri thức. Đây không phải là sự thay đổi hình thức mà là sự thích nghi có chiều sâu, đặt nền móng cho thế hệ công dân số - những người không chỉ sử dụng AI mà còn biết kiểm soát, phản biện và sáng tạo cùng AI.

Liên minh chiến lược: Đào tạo nhân lực AI từ gốc

Liên minh chiến lược: Đào tạo nhân lực AI từ gốc

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Nhiếp ảnh thời AI: Sáng tạo, hỗ trợ nhưng không thay thế

Nhiếp ảnh thời AI: Sáng tạo, hỗ trợ nhưng không thay thế

16 Jun, 04:28 PM

Kinhtedothi - Sự phát triển bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang định hình lại cách con người tiếp cận và sáng tác nhiếp ảnh. Song, trong làn sóng công nghệ ấy, vai trò của người nghệ sĩ - người kể chuyện bằng hình ảnh - vẫn không thể thay thế.

6 cách giúp điện thoại Samsung luôn chạy mượt

6 cách giúp điện thoại Samsung luôn chạy mượt

15 Jun, 01:01 PM

Kinhtedothi- Qua một thời gian sở dụng, smartphone thường chạy chậm làm giảm trải nghiệm của người dùng. Vậy, bạn có biết một số mẹo giúp điện thoại Samsung chạy nhanh, ổn định không?

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ