Hàng trăm con người chết và mất tích, hàng nghìn gia súc, gia cầm trôi theo dòng nước lũ, hàng vạn héc ta lúa, rau màu, đất bờ xôi ruộng mật thành đống đất đá, thiệt hại và hậu họa vì mưa lũ thật khó mà đong đếm.
Thảm họa ấy - như báo chí phản ánh là do thiên tai gây ra, điều đó đúng. Nhưng nghe mãi thành nhàm, công chúng gợn lên thắc mắc: Chẳng lẽ chỉ do thiên tai? Đành rằng trong lúc nước sôi lửa bỏng, thủy hỏa đạo tặc thế này không phải lúc kể lể ngọn nguồn, gây mất đoàn kết, nhưng đổ cả cho thiên tai, cho thay đổi khí hậu như bấy lâu nay xem ra chưa hẳn hoàn toàn như vậy, bởi bên cạnh thiên tai còn phải kể nhân tai. Những người phá rừng chỉ biết mình chặt gỗ là hủy hoại thiên nhiên, ăn cắp tài nguyên quốc gia chứ biết đâu là mình làm hại chính mình, đồng bào mình...Vậy nên phải nói. Nói để biết bởi không lúc nào nói tốt hơn lúc này về những hành vi tàn phá thiên nhiên, bóc lột thiên nhiên một cách tàn bạo như làm thủy điện không tính đến môi trường, làm sân golf chiếm diện tích rừng, làm biệt thự, trang trại lấn vào đất rừng, tàn phá rừng để khai thác gỗ, làm cháy rừng, phá rừng nguyên sinh để trồng cây công nghiệp, làm nương... Những hành vi này đã gây ra thiên tai không đáng có. Phải nói để những người chặt gỗ, phá rừng nguyên sinh thấy rõ trách nhiệm mà nói đúng hơn là đồng phạm gây ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất… làm người chết, gia súc chết, đồng ruộng ngập úng, nhà cửa xóm làng tan hoang. Phải nói để những người vì lòng tham, vì thiếu hiểu biết hiểu ra rằng, phá rừng là phá cuộc sống của chúng ta, phá nhà cửa, cuộc sống yên bình của bao gia đình ở hạ lưu sông suối, không thể phá rừng xong, vẫn ung dung như người vô can. Phải nói để những gia đình bị làm hại trong mùa bão lũ nhìn ra đúng thủ phạm mà tạo phong trào quần chúng để chặn đứng việc phá rừng, biến chuyện ngăn chặn phá rừng là chuyện của mọi người, liên quan đến đời sống của mọi người, không phải việc riêng của Nhà nước.Nếu chỉ do thiên tai, mưa gió thì làm sao hàng nghìn đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vẫn chọn nhà ở, nơi canh tác dưới thung lũng, ven khe suối mà không làm sao? Vì sao trải bao năm, nhà cửa, xóm bản, cánh đồng vẫn yên lành. Bây giờ phải chuyển lên cao hơn, xa đất làm ăn hơn, cuộc sống khó khăn hơn, ai là người chịu trách nhiệm? Mà lấy đâu đất để chuyển lên cao hơn trong khi việc phá rừng vẫn không ngăn chặn được. Đó là việc làm duy ý chí, làm lấy được, không dựa vào dân, ỷ vào thế của chính quyền, lâu dài sẽ phải hối hận.Mưa xuống, lá rừng sẽ ngăn nước lại, dừng đổ xuống xối xả, rễ cây dọc ngang tạo khe hở cho nước ngấm sâu, vừa giữ đất vừa giữ nước, không để nước trượt trên mặt, thành lũ ống, lũ quét, sạt lở. Nước ngấm xuống tầng sâu thành nước ngầm, giữ điều hòa sông suối quanh năm, mùa Hè cũng như mùa Đông. Đi trên vùng rừng núi Tây Bắc, thấy đồi núi trọc trập trùng, một màu sỏi gan gà, đá ong đen xám, cỏ cũng không mọc được, lòng thấy xót xa vô hạn. Cứ đà cấm không nổi việc phá rừng và tuyên truyền một chiều như thế này rồi đến lúc miền Trung và Tây Nguyên sẽ sa mạc hóa, sẽ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất không thua gì miền Bắc và Bắc miền Trung.