Cần sự vào cuộc tích cực
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (Luật Đất đai 2024) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều điểm mới. Trong đó, người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai,... Để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Văn bản số 202/TTg-NN về việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành bày tỏ ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng về đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, xuất phát từ tầm quan trọng rất lớn của Luật Đất đai và đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, khắc phục các tồn tại, bất cập trong quản lý đất đai, Chính phủ đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ, xác định đây là luật khó, quan trọng, cần nhiều văn bản hướng dẫn nên khi thông qua luật, các cơ quan và Quốc hội đã cố gắng bố trí thời gian có hiệu lực dài hơn, cụ thể khoảng một năm. Thời gian này theo tính toán đủ để Chính phủ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết. “Việc này rất đáng ghi nhận và khi các văn bản hướng dẫn được ban hành đầy đủ, đảm bảo chất lượng thì Chính phủ hoàn toàn có thể trình Quốc hội xem xét quyết định cho phép luật có hiệu lực sớm hơn từ 1/7. Quốc hội sẽ xem xét quyết định cụ thể khi Chính phủ trình chính thức” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều Luật khác nhau và đang có nhiều điểm nghẽn, những điểm nghẽn này ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nếu như chờ đợi hơn 1 năm, đến 1/1/2025 luật mới có hiệu lực thì trong cả năm 2024 những điểm nghẽn trên vẫn chưa tháo gỡ được.
Góp phần phát triển kinh tế
Ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá, nếu Luật Đất đai 2024 được áp dụng sớm từ ngày 1/7 sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn cho thị trường địa ốc. Trong đó, một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Đất đai 2024 là bỏ khung giá đất cũ. Căn cứ trên mục đích, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào, các yếu tố khác ảnh hưởng... để xác định giá đất theo giá thị trường, qua đó những người sở hữu đất được cho sẽ hưởng lợi.
Ngoài ra, DN có tài chính mạnh sẽ dễ dàng hơn trong việc giải phóng mặt bằng để phát triển dự án. Đặc biệt, việc Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm tiếp đó cùng với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực cũng sẽ là tin vui cho DN và thị trường để tháo gỡ những rào cản thủ tục còn nhiều vướng mắc trước đây. Điều này sẽ góp phần giải được bài toán thiếu nguồn cung nhà ở trên thị trường.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng cho rằng, việc Luật Đất đai 2024 sớm được thi hành sẽ tạo điều kiện rất tốt cho chính quyền các địa phương giải quyết các công việc đang tồn đọng do vướng mắc về cơ chế chính sách, đồng thời cũng tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án dở dang, vướng mắc cơ chế chính sách được tiếp tục triển khai. Đây là hành động rất quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các DN nhanh chóng hồi phục…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá: “Năm 2025 là một năm rất đặc biệt bởi vì, đây là năm cuối của nhiệm kỳ, nếu như Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thời gian được đẩy sớm lên nửa năm, các khó khăn sẽ được tháo gỡ rất đáng kể và sẽ kịp tiến độ để cho các địa phương giải quyết được những công trình trọng điểm, những vấn đề liên quan đến đất đai... góp phần hoàn thành được nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ”.