Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, hơn 3 năm thực thi Luật DN, Luật Đầu tư, con số DN đăng ký và thành lập mới tăng đột biến trên 70% cho thấy 2 luật trên đã có tác động bước đầu và có hiệu quả. Song bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các Luật này.
Luật Đầu tư, Luật DN ban hành từ năm 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015), bên cạnh những hiệu quả còn những hạn chế. Quá trình thực thi vẫn còn không ít vướng mắc phát sinh; trong đó, có sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa một số quy định của Luật Đầu tư, Luật DN với quy định của các luật chuyên ngành khác.
Ngoài ra, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN với các quy định của các luật chuyên ngành mới chỉ là những phát hiện mang tính hình thức, chưa xác định được nội dung cụ thể gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.
Theo Bộ KH&ĐT, quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, Quốc hội giao Chính phủ, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 7 của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Do vậy, việc tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và DN.
Đối với Luật Đầu tư, Dự thảo sửa đổi nhiều vấn đề quan trọng như thủ tục đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, địa vị pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài, bãi bỏ 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Đối với Luật DN, Dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến DN nhà nước, tổ chức, hoạt động, quản trị của DN, bãi bỏ con dấu DN, chế độ báo cáo, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký DN… |
Ba là, mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng Bộ KH&ĐT cho biết, một số quy định của Luật Đầu tư và Luật DN còn thiếu cụ thể, chưa thật sự bảo đảm tính khả thi.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, qua rà soát cho thấy, cần phải thay đổi tư duy làm luật. Nếu cứ như lâu nay, một luật thi hành 4 - 5 năm rồi mới tổng kết, sửa đổi thì sẽ lỡ hết cơ hội của nền kinh tế.
Đơn cử, quy định của Luật DN về việc áp dụng luật chuyên ngành liên quan đến thủ tục thành lập DN dẫn đến phân tán đầu mối đăng ký thành lập DN, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi có yêu cầu thay đổi hoạt động kinh doanh. Hay trong Luật Đầu tư cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Ông Lộc đề nghị phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư - kinh doanh. Các luật chuyên ngành có quy định liên quan đến đầu tư, thành lập và hoạt động của DN, giao dịch dân sự không được quy định mâu thuẫn hoặc trái với các nguyên tắc chung đó. Có như vậy, hành trình đầu tư - kinh doanh của DN mới bớt rủi ro.
Ông Khuất Ngọc Tuấn - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) đánh giá, Luật Đầu tư sửa đổi nên bổ sung vào để giám sát quá trình ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh. Quy định trong luật cụ thể ngành nào có điều kiện, ngành nào cấm. Nội dung lần này là kết quả ra soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cơ quan soạn thảo đưa ra tiêu chí rà soát: Đơn cử, Luật Đầu tư hiện hành đã quy định khi nào anh đặt ra đăng ký kinh doanh, an ninh quốc phòng, sức khỏe… xem có đảm bảo mục tiêu đó chưa, còn nếu đã có các quy chuẩn rồi sẽ đưa ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo ông Tuấn, dự kiến cơ quan soạn thảo đưa 22 ngành nghề điều kiện kinh doanh có điều kiện ra khỏi danh mục và dự kiến bổ sung 4 ngành nghề.
Với Luật DN, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, sẽ sửa đổi căn bản, cái gì vướng mắc sẽ phải sửa đổi. Đặc biệt cơ quan soạn thảo tập trung sửa 2 vấn đề là gia nhập thị trường, quản trị nội bộ. Theo ông Hiếu, còn rất nhiều dư địa để cải cách, gia nhập thị trường giảm chi phí cho DN và thúc đẩy quản trị DN.
Ông Hiếu khẳng định, đã đến lúc thông lệ quản trị DN tốt sẽ là mục tiêu sửa đổi Luật DN lần này. “Khi Luật Doanh nghiệp 1999 được xây dựng, mục tiêu là tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường, để người dân không ngần ngại bỏ vốn kinh doanh. Luật DN 1999 và 2 lần sửa đổi đã hoàn thành sứ mạng này, với sự thuận lợi ngày càng lớn trong thủ tục gia nhập thị trường. Nhưng đã đến lúc, các DN sau khi gia nhập cần phải thực hiện những tiêu chuẩn quản trị theo đúng thông lệ quốc tế. Đây là con đường để DN Việt Nam có thể lớn lên, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, ông Hiếu chia sẻ.