Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Điện ảnh nhiều điểm lỗi thời: Nguy cơ nhiễm độc văn hóa

Quang Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua 13 năm (2006 - 2019) thi hành, Luật Điện ảnh Việt Nam bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, không phù hợp với thực tế như vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet và tình trạng công ty nước ngoài nắm giữ đa số thị phần phim trong nước.

Luật xa rời thực tế
Trải qua 13 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã tạo nên hành lang pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh, tạo cho điện ảnh Việt Nam cơ chế và điều kiện phát triển.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà: “Doanh thu điện ảnh trong những năm gần đây tăng trung bình từ 25 - 30%/năm. Năm 2000, doanh thu ngành điện ảnh Việt Nam khoảng 2 triệu USD. Đến năm 2015, con số này tăng lên hơn 100 triệu USD và năm 2018
doanh thu đạt gần 150 triệu USD”.
 Đoàn làm phim ''Kong: Đảo Đầu lâu'' thực hiện cảnh quay tại Việt Nam. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, trải qua một số năm thực thi, Luật Điện ảnh bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, không phù hợp với thực tế. Chỉ riêng vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh. Ví dụ dễ thấy nhất hiện nay là đối với các loại phim đang phổ biến tràn lan trên mạng internet, thường gọi là “web drama”, Luật không hề điều chỉnh, cơ quan quản lý cũng bỏ ngỏ quản lý.
Trong khi đó, “web drama” có số lượng lượt xem lên đến hàng chục triệu, gấp nhiều lần phim chiếu rạp. Đi kèm với đó là vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh… với nhiều diễn biến tiêu cực, phức tạp mà Luật chưa quy định, chưa có chế tài xử lý.
Cần được sửa đổi
Theo NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thực trạng tràn lan của phim ngoại nhập, tạo sự xâm nhập khó kiểm soát của văn hóa ngoại lai, dẫn đến nguy cơ làm phai mờ những giá trị văn hóa truyền thống.
“Nhiễm độc thực phẩm thì chỉ mất thời gian khắc phục 5 - 7 ngày, nhưng nhiễm độc văn hóa thì khó khắc phục vô cùng. Trọng trách của Luật Điện ảnh sửa đổi phải “gánh vác” vấn đề này…” - ông Đặng Xuân Hải chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, dù hoạt động trong cơ chế thị trường nhưng điện ảnh Việt Nam phải được cảnh tỉnh, bởi điện ảnh không phải là kẻ bưng bê cho cơ chế thị trường. Điện ảnh có chức năng riêng về giáo dục, thẩm mỹ, giải trí…, không nên chỉ chạy theo cơ chế thị trường.
Hiện lượng phim nhập ngoại của Việt Nam khoảng 250 phim trở lên, nhiều nhất là ở các công ty liên doanh nước ngoài. Những công ty này cũng chiếm lĩnh lượng rạp khá lớn, họ tích cực xây dựng các rạp chiếu, đầu ra cho phim ngoại. Khi “đầu vào” với tỷ lệ nhập phim ngoại đã không khống chế, “đầu ra” lại có một hệ thống rạp phong phú, sự tràn lan phim ngoại trên thị trường cũng là điều dễ hiểu.
“Sứ mệnh của Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phải điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể, cần đưa thêm vào Luật Điện ảnh (sửa đổi) một số quy định có tính rào cản kỹ thuật. Ví như hạn chế đầu tư phát triển các cụm rạp chiếu phim ở TP nhưng ưu tiên xây dựng rạp chiếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng thuế nhập khẩu phim ngoại; có quy định ràng buộc các công ty nước ngoài phải đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam (hoặc phát hành phim Việt).
Cùng với đó, các phòng chiếu cũng phải quy định chiếu phim Việt Nam theo quy định trong chiến lược phát triển điện ảnh” - ông Đặng Xuân Hải cho hay.
Hàn Quốc là một bài học lớn về việc tận dụng lợi thế của các quy định về giờ chiếu, suất chiếu tối thiểu cho phim nội địa để khuyến khích điện ảnh quốc gia phát triển. Trước đây ở thời kỳ điện ảnh Hàn Quốc chưa phát triển, giống như Việt Nam hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng tỷ lệ giờ chiếu tối thiểu cho phim Hàn Quốc là 40%.
Chỉ sau vài năm, với động lực đó, nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã phát triển đến mức không cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Và đó là thời điểm Hàn Quốc bỏ quy định về tỷ lệ giờ chiếu tối thiếu cho phim của nước này. Theo đại diện Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD): “Nền điện ảnh Việt Nam rất cần động lực này để phát triển”.