Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật hoá quy định giao nhận hàng đối với xe khách

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 bổ sung quy định mới về việc người dân phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân khi nhận hàng hoá trên xe khách. Việc này là cần thiết để siết chặt quản lý hàng hoá, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên mỗi chuyến đi.

Tiềm ẩn rủi ro

Gửi hàng qua xe khách được nhiều người dân lựa chọn do cách thức vận chuyển nhanh chóng, giá rẻ và thuận tiện. Hiện nay tất cả xe khách từ tuyến nội tỉnh đến liên tỉnh đều có dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho người dân.

Nhiều nhà xe có văn phòng tiếp nhận hàng hóa ký gửi để người dân đến gửi hàng khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể đến bến xe để gửi hàng trực tiếp cho tài xế.

Theo Nghị định 47/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP) của Chính phủ về hoạt động gửi hàng trên xe vận tải hành khách quy định, DN vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khi nhận hàng hóa ký gửi mà người gửi hàng không đi theo xe thì phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về hàng hóa, cân nặng, họ tên, địa chỉ, căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Tuy nhiên, thực tế theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, việc thực hiện của nhiều đơn vị vận tải và người gửi hàng hóa vẫn còn hời hợt.

Các nhà xe hầu như không kiểm tra hoặc yêu cầu người gửi cho kiểm tra hàng hóa bên trong, không giới hạn khối lượng hàng hoá. Nhiều lái, phụ xe khách nhận hàng dọc đường một cách chóng vánh. Đây là kẽ hở cho một số đối tượng lách luật gửi hàng cấm vận chuyển.

Xe khách trả hàng trên đường.
Xe khách trả hàng trên đường.

Thời điểm vắng khách, ngoài chất hàng hóa ở khoang hàng theo quy định thì một số nhà xe còn thu gọn các hàng ghế phía sau để hàng. Thậm chí, lúc cao điểm vận chuyển hành khách, các nhà xe vẫn tranh thủ những chỗ hở dưới ghế ngồi để xếp hàng hoá.

Trên bọc hàng không thể hiện đầy đủ các thông tin. Một số kiện hàng chỉ có số điện thoại người nhận, địa chỉ để lái, phụ xe gọi khi gần đến nơi nhận. Khi nhận hàng, lái, phụ xe chỉ hỏi thông tin số điện thoại người nhận, địa chỉ nơi người gửi mà chẳng cần xác minh giấy tờ tùy thân.

Trên thực tế, việc chở hàng hóa trên xe khách tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu xe chất quá nhiều hàng hoá có thể mất cân bằng, nguy cơ lật xe. Nếu nhà xe chở hàng hóa có nặng mùi như sầu riêng, động vật hay nội tạng đông lạnh sẽ ảnh hưởng đến hành khách ngồi trên xe.

Do việc gửi hàng hóa trên xe khách là giao dịch bằng miệng, không cần thủ tục, hóa đơn, chứng từ nên trong trường hợp hàng hoá vi phạm bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ, sẽ rất khó khăn trong việc xử phạt vì không tìm ra chủ hàng.

Những điều này chính là “lỗ hổng” trong việc gửi hàng hoá, đồng thời gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông trên mỗi chuyến đi.

Tuyên truyền đi kèm giám sát

Nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này, Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã luật hóa nhiều quy định mới liên quan đến vận chuyển hàng ký gửi trên xe vận tải hành khách.

Điều 68 Luật Đường bộ quy định: Hàng hoá ký gửi là hàng hoá gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách mà người gửi không đi cùng trên xe, được thực hiện theo thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người gửi hàng.

Đơn vị vận tải chỉ được nhận vận tải hàng hóa có kích thước, trọng lượng phù hợp với phương tiện và không thuộc hàng hóa cấm lưu thông, hàng hóa nguy hiểm, động vật hoang dã, hàng có mùi hôi thối, động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách, môi trường.

Người có hàng hoá ký gửi phải lập tờ khai gửi hàng hoá, trong đó kê khai tên, số lượng, khối lượng hàng hoá; tên, địa chỉ, số định danh cá nhân của người gửi và người nhận hàng hóa.

Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm kiểm tra hàng hoá và xác nhận vào tờ khai gửi hàng hoá. Tờ khai này được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản.

Đặc biệt, việc nhận hàng hoá gửi xe khách yêu cầu người nhận phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân khi nhận hàng.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sỹ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, so với quy định hiện hành tại Nghị định 47/2022 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, quy định về hàng hóa ký gửi tại Luật Đường bộ chặt chẽ hơn.

Nhưng để luật đi vào thực tiễn đạt được hiệu quả và để các đơn vị vận tải cũng như người dân thực hiện nghiêm là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể kèm chế tài mạnh mẽ.

Theo thạc sỹ Hoàng Thị Thu Phương, nếu như việc mang hành lý khi đi máy bay được các hãng hàng không kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt thì đối với xe khách hầu như bước này đã bị bỏ qua. Việc tuyên truyền quy định gửi hàng hoá cho các đơn vị vận tải phải song song với việc giám sát thực hiện.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định đơn vị kinh doanh vận tải được miễn bồi thường thiệt hại hàng hoá ký gửi trong một số trường hợp như: Do việc bắt giữ hoặc cưỡng chế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hoá ký gửi; Do nguyên nhân bất khả kháng; Do lỗi của người thuê vận tải, người áp tải hàng hoá của người thuê vận tải hoặc người nhận hàng hóa…

Quy định này cần có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết hơn để làm rõ về nguyên nhân bất khả kháng, mức độ hao hụt hàng hoá để làm căn cứ đền bù… Việc này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và khách hàng khi triển khai.

Song song với đó, một số chuyên gia còn cho rằng, hiện nay lực lượng chức năng còn mỏng, việc kiểm soát hàng hoá trên xe khách chưa được quan tâm đúng mức, chưa chặt chẽ và quyết liệt. Do đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của lực lượng chức năng trong thời gian tới.

Đặc biệt, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với các đơn vị vận tải, các lái xe nếu không thực hiện việc gửi, nhận hàng hoá trên xe khách theo quy định. Có như vậy mới tạo tính răn đe và nâng cao ý thức trách nhiệm của lái xe, phụ xe, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự cho hành khách và chuyến đi.