Luật sư: Chủ nhân Phở Thìn 13 Lò Đúc chưa được phép nhượng quyền thương mại

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hiện nay, nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, do đó việc nhượng quyền thương mại là không thể xảy ra. Đây là khẳng định của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Chưa được phép nhượng quyền thương mại Phở Thìn 13 Lò Đúc

Thưa Luật sư, liên quan đến lùm xùm tranh chấp thương hiệu giữa ông Nguyễn Trọng Thìn - chủ thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc với ông Đoàn Hải Trung. Ông Đoàn Hải Trung tự ý thành lập công ty với thương hiệu của ông Thìn mà không được đồng ý. Vậy, ông hành vi của ông Đoàn Hải Trung có vi phạm pháp luật không?

Ông Đoàn Hải Trung đã thành lập 3 công ty liên quan “hệ sinh thái Phở Thìn”. Trong đó, có hai công ty là công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội và công ty hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội đều có vốn góp của ông Thìn và ông Trung. Tuy nhiên, việc này đều không được đồng ý bởi ông Thìn không có bất kỳ giấy tờ, hợp đồng nào.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Vậy nên, việc ông Trung tự ý thành lập công ty với thương hiệu của ông Thìn mà không được đồng ý là vi phạm pháp luật. Và khi muốn góp vốn thì sẽ phải nộp hồ sơ tại Sở KH&ĐT nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính.

Hồ sơ bao gồm: Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

Theo đó, hồ sơ phải có văn bản đăng ký góp vốn sẽ phải có chữ ký của ông Thìn và bản sao thẻ căn cước của ông Thìn.

Tại sao ông Đoàn Hải Trung có thể thành lập được công ty nếu không có chữ kí của ông Nguyễn Trọng Thìn, thưa ông?

Ông Thìn không đồng ý góp vốn với ông Trung để thành lập DN nên trường hợp này có thể có người đã làm giả chữ ký của ông Thìn. Người đó có thể sẽ bị xử lý về tội giả mạo chữ ký. Hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định về vi phạm hành chính, tuy nhiên, khi có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017). Hành vi giả mạo chữ ký người khác sẽ cấu thành tội phạm khi người phạm tội thực hiện hành vi gian dối giả mạo chữ ký tên các loại giấy tờ, hợp đồng…làm cho người khác tin rằng đó là thông tin đúng sự thật và tự nguyện giao tài sản của họ. Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ông Nguyễn Trọng Thìn - chủ thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc (Ảnh: Facebook Nguyễn Trọng Thìn)
Ông Nguyễn Trọng Thìn - chủ thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc (Ảnh: Facebook Nguyễn Trọng Thìn)

Trong trường hợp Phở Thìn 13 Lò Đúc chưa được bảo hộ về nhãn hiệu, việc nhượng quyền thương mại có thể xảy ra không?

Nhãn hiệu "Phở Thìn 13 Lò Đúc" chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì việc nhượng quyền thương mại là không thể xảy ra. Theo quy định tại Điều 284 Luật thương mại 2005 quy định thì: Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1.Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. Việc nhượng quyền được gắn với nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó bên nhượng quyền cần là chủ sở hữu nhãn hiệu gắn với hàng hóa, dịch vụ, mô hình kinh doanh nhượng quyền. Tuy nhiên, nhãn hiệu chưa được bảo hộ thì chưa xác nhận được bên nhượng quyền là chủ sở hữu của nhãn hiệu đó. Vì vậy việc nhượng quyền là không thể xảy ra.

Bảo hộ nhãn hiệu phải đi trước một bước

Với việc thương hiệu "Phở Thìn Bờ Hồ" đã được đăng ký bảo hộ, vậy việc đăng ký bảo hộ thương hiệu "Phở Thìn 13 Lò Đúc" có vi phạm sở hữu trí tuệ không thưa ông? Cần xác định dựa trên những yếu tố cơ bản nào?

Nhãn hiệu "Phở Thìn" được đăng ký bảo hộ năm 2003 do ông Bùi Chí Đạt là chủ đơn. Năm 2013 nhãn hiệu hết hạn, đến năm 2014, ông Bùi Chí Đạt đăng ký lại nhãn hiệu Phở Thìn và được cấp Văn bằng bảo hộ đến năm 2024.

Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” không vi phạm về luật sở hữu trí tuệ. Bên Cục Sở hữu trí tuệ vẫn tiếp nhận đơn. Tuy nhiên, đến giai đoạn thẩm định nội dung, có nhãn hiệu "Phở Thìn" của ông Bùi Chí Đạt đã được cấp văn bằng bảo hộ và văn bằng đó còn thời hạn thì nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” do ông Nguyễn Trọng Thìn đăng ký sẽ khó được cấp Văn bằng bảo hộ.

Từ câu chuyện Phở Thìn, ông có lời khuyên gì cho các cá nhân, DN để tránh rơi vào tình trạng tương tự?

Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam tuân theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì giành được quyền trước, vì vậy, đừng chờ đợi đến khi thương hiệu kinh doanh của bạn phát triển rồi mới tính chuyện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bởi rất có thể lúc đó đã có những bên khác đăng ký trước mất rồi.

Thứ hai, đối với các DN đã gây dựng và phát triển thương hiệu lâu đời, đã được bảo hộ pháp lý đối với thương hiệu kinh doanh, vẫn cần tiếp tục bảo vệ thương hiệu của mình, giám sát và ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép, ngang nhiên, đại trà của bên thứ ba – việc mà có thể khiến cho nhãn hiệu mất đi tính phân biệt, trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (ví dụ gọi Phở Thìn cho món phở bò Hà Nội truyền thống). Chủ sở hữu nhãn hiệu lúc đó sẽ bị mất đi hàng rào bảo hộ pháp lý cho thương hiệu của mình.

Thứ ba, việc sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ của bên khác cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và cũng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Cần lưu ý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ, tùy mức độ nặng nhẹ, có thể bị xử phạt hành chính, bị khởi kiện ra tòa và phải bồi thường thiệt hại, hoặc bị chế tài hình sự. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tôn trọng quyền đối với tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp khác, chủ động gây dựng thương hiệu của riêng mình và phát triển kinh doanh một cách trung thực, uy tín.

Xin cảm ơn ông!