Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Luật Thủ đô: tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế chính sách để giải phóng tiềm lực

Kinhtedothi- Luật Thủ đô 2024 có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội và đẩy mạnh trong phân cấp, phân quyền. Qua đó, giải phóng tiềm lực Thủ đô.

Phân cấp mạnh hơn cho Thủ đô

Trong hơn 10 năm thực hiện Luật Thủ đô 2012, bên cạnh những mặt tích cực, TP. Hà Nội cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó, bao gồm việc chưa tìm ra lời giải cho những “bài toán” dân sinh bức xúc như quy hoạch, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, ngập úng…. Đó là cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nhưng vì còn vướng mắc rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách nên dù đã được bàn đến không ít lần nhưng việc triển khai thực hiện không có nhiều chuyển biến.

Luật Thủ đô 2024 có nhiều chính sách vượt trội, đặc thù ở nhiều lĩnh vực mang tính bao quát. Ảnh minh hoạ

Luật Thủ đô 2024 có nhiều chính sách vượt trội, đặc thù ở nhiều lĩnh vực mang tính bao quát. Cụ thể, Luật đã tập trung thể hiện những chính sách tạo cơ sở để chính quyền Hà Nội tiếp tục đề xuất và hoàn thiện hệ thống giải pháp, biện pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó, tập trung vào giải pháp về huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch cũng như biện pháp, chính sách về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội…

Chẳng hạn, trước kia quyền hạn của TP Hà Nội còn hạn chế, nhiều quyết định quan trọng phải trình lên Trung ương, gây chậm trễ và thiếu linh hoạt. Luật mới đã tăng cường phân cấp, phân quyền, cho phép Hà Nội chủ động hơn trong việc quyết định các vấn đề về quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị. Nhờ đó, DN sẽ được hưởng lợi từ việc thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, các quyết định đầu tư được thông qua nhanh chóng hơn, giảm thiểu chi phí thời gian và cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án đầu tư.

Theo TS Bùi Việt Hương (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng về dân số, Hà Nội đang trải qua những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế, hạ tầng đô thị, đời sống xã hội. Tốc độ tăng dân số và dòng di cư từ các địa phương khác vào Hà Nội làm tăng gánh nặng lên các dịch vụ công và hạ tầng đô thị trong suốt nhiều năm qua. Hà Nội là TP trực thuộc T.Ư đông dân cư nhưng dân số phân bổ không đồng đều, tập trung vào phần lõi của đô thị. Trong nhiều năm, hệ thống giao thông, điện nước, y tế, giáo dục và môi trường vẫn phải đối mặt với nguy cơ không theo kịp tốc độ phát triển và quy mô dân số ngày càng tăng.

Với Luật mới, Hà Nội được trao quyền chủ động hơn trong nhiều lĩnh vực quan trọng. TP có thể linh hoạt hơn trong việc lập và triển khai các dự án phát triển hạ tầng, cải thiện giao thông, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thông minh hơn.

Ngoài ra, để thu hút đầu tư xã hội, Luật quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với pháp luật hiện hành. Cụ thể, đối với thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Điều 39 có 2 quy định đặc thù: Bổ sung 2 lĩnh vực văn hóa, thể thao được thực hiện đầu tư theo phương thức PPP; Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án trong những trường hợp cần thiết.

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, Luật xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng (chủ yếu đối với dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển); tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; nguồn vốn thanh toán và thời điểm thanh toán. Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, Luật xác định rõ loại đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư; tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; xác định thời điểm giao đất, thời điểm kinh doanh, khai thác dự án đối ứng có sử dụng đất. Các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết.

Quy định này một mặt tạo thêm phương tiện và phương thức để Thủ đô phát huy tối đa nguồn lực cho phát triển, mặt khác có thể khắc phục những rủi ro, hạn chế của các quy định về BT và quá trình triển khai hình thức BT trước đây.

Ủng hộ chính sách của Luật Thủ đô mới mang tính đặc biệt, đặc thù, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, lợi thế tuyệt đối, vì vậy, cần định vị sự phát triển trong tương lai của Hà Nội phải trở thành một đô thị xứng tầm, “thể hiện vai trò dẫn dắt, tiên phong của Thủ đô đất nước”; Và bởi Thủ đô chỉ có một và có những yêu cầu hết sức đặc biệt về phát triển, quản lý.

Một trong những nội dung được chú trọng trong Luật lần này là quy định về hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tại Hà Nội. Đây cũng là nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012. Luật đã dành chương riêng về phần đô thị tại Hà Nội; trong đó có rất nhiều cơ chế khác biệt so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.

Thực hiện phân cấp cho TP được quyền chủ động trong tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc và có chính sách liên quan đến việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có tài năng. Các chính sách về biên chế, tiền lương, thu nhập cũng được quan tâm… Với những quy định này, Luật Thủ đô kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để cấp ủy, chính quyền Hà Nội có dư địa, lợi thế trong hoàn thiện tổ chức chính quyền, để thu hút nguồn nhân lực tinh hoa nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai.

Tạo cơ sở cho Hà Nội đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029 nhìn nhận: “Chúng ta đang nói về việc cả nước đang bước vào kỳ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình và chúng ta cũng thấy rõ đó là kỷ nguyên số, kỷ nguyên xanh. Muốn làm được việc nay thì chúng ta phải có những thay đổi có tính đột phá.

Thủ đô Hà Nội có nhiều tiềm năng để hoàn thành công cuộc này, bởi Thủ đô là nơi tập trung những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, đó chính là cơ sở, tiềm năng để chúng ta dựa vào khoa học - công nghệ, để tạo ra đột phá. Trong đó Luật Thủ đô 2024 đã tạo cơ sở pháp lý cho phép Hà Nội cho phép nghiên cứu khoa học có rủi ro, để Hà Nội có thể làm những gì lớn nhất, tiên phong nhất. Bên cạnh đó cũng đưa ra những cơ chế để thu hút những nhà khoa học, những nhân tài với cơ chế đãi ngộ vượt trội.

Theo Luật Thủ đô, tổ chức, doanh nghiệp được cho phép thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ do luật định. Cụ thể, các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, ưu tiên đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo của TP.

Phạm vi giới hạn thử nghiệm được đề xuất phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền TP. Luật cũng quy định rõ thời hạn thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm...

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, TP nên mạnh dạn triển khai cơ chế thí điểm thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) được cụ thể hoá tại Luật Thủ đô trong quá trình triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu biến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội.

Theo TS Nguyễn Quân, các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Để đến năm 2030 xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 40% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ bán dẫn được khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng…

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Việc phải phân cấp mạnh và trọn gói cho Thủ đô để tránh trường hợp khi đã có những quy định rồi nhưng vẫn phải đi lòng vòng qua nhiều cơ quan làm chậm quá trình triển khai. Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang biến đổi rất nhanh và khó lường, việc phân cấp mạnh hơn cho các địa phương; trong đó đặc biệt Thủ đô Hà Nội càng trở nên cần thiết và cấp bách.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Quận Thanh Xuân phấn đấu năm 2025 đạt tăng trưởng 8% trở lên

Quận Thanh Xuân phấn đấu năm 2025 đạt tăng trưởng 8% trở lên

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Củng cố niềm tin của doanh nghiệp FDI

Củng cố niềm tin của doanh nghiệp FDI

13 Apr, 06:52 AM

Kinhtedothi- Mức thuế quan đối ứng cao mà Tổng thống Mỹ Trump đưa ra ngày 2/4 đã được hoãn trong vòng 90 ngày. Cần chờ thêm tín hiệu để đánh giá dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định, quyết định đầu tư tại Việt Nam dựa trên triển vọng dài hạn.

Kỷ lục chứng khoán Việt: VN-Index tăng nhanh nhất lịch sử, ngày vui màu tím kéo dài bao lâu?

Kỷ lục chứng khoán Việt: VN-Index tăng nhanh nhất lịch sử, ngày vui màu tím kéo dài bao lâu?

13 Apr, 06:49 AM

Kinhtedothi- Lần đầu tiên, TTCK Việt Nam chứng kiến chỉ số VN-Index tăng hơn 70 điểm trong chớp mắt, ghi nhận mức tăng nhanh nhất lịch sử. Trong tuần, có phiên, làn sóng tranh mua và không có bên bán đối ứng với thanh khoản nhỏ giọt đã diễn ra. Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đã có những trao đổi về xu hướng và khuyến nghị đầu tư thời gian tới.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ