Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lực lượng kiểm lâm cần chính sách đãi ngộ tương xứng

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng vi phạm về các quy định quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra phức tạp; điều kiện làm việc của cán bộ kiểm lâm địa bàn thiếu thốn; chính sách đãi ngộ cho kiểm lâm chưa tương xứng với tính chất công việc...

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì tuần tra rừng. Ảnh Ngọc Ánh
Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì tuần tra rừng. Ảnh Ngọc Ánh

Đây là những khó khăn mà lực lượng kiểm lâm đang phải đối mặt hiện nay.

Bộn bề khó khăn

Báo cáo của Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho thấy, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã chủ động tham mưu, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý bảo vệ rừng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn.

Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng tăng đều qua các năm, đạt và giữ vững ở mức 42% như hiện nay. Đồng thời, kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, duy trì hệ thống các khu rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, đến nay cả nước có trên 11,7 triệu hecta rừng đã được giao cho các chủ thể quản lý. Từ đó, giúp rừng thực sự có chủ, người dân thực sự yên tâm, tin tưởng, gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần ổn định đời sống gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 

Muốn giữ rừng phải quan tâm chăm lo để lực lượng kiểm lâm an tâm gắn bó với rừng, dốc sức bảo vệ rừng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) Bùi Chính Nghĩa, cuộc đấu tranh bảo vệ rừng luôn diễn ra âm thầm nhưng đầy cam go, phức tạp. Lực lượng kiểm lâm đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: yêu cầu ngày càng cao về nhiệm vụ; áp lực của khoa học công nghệ phát triển đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức kiểm lâm cần phải thay đổi tư duy theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…

Chia sẻ về những bất cập của Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên trăn trở: rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP phần lớn chưa được giao đất gắn với giao rừng, vì vậy gây khó khăn trong công tác xử lý trách nhiệm khi rừng bị xâm lấn, hủy hoại, xây dựng trái phép và cháy rừng. Ranh giới 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) chưa được cắm mốc; hồ sơ, bản đồ 3 loại rừng còn sai số lớn.

Trong khi đó, lực lượng Kiểm lâm Hà Nội mỏng, quản lý nhiều địa bàn phức tạp về cháy rừng, buôn bán chế biến lâm sản, gây nuôi động vật hoang dã, nhưng chế độ đãi ngộ thấp nên không tránh khỏi tâm lý dao động của cán bộ, công chức bảo vệ rừng. Đáng nói, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) còn hạn chế, trang thiết bị còn thô sơ, hệ thống đường lâm nghiệp kết hợp PCCCR chưa đáp ứng được yêu cầu.

Sớm xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp

Theo ông Lê Minh Tuyên, trong nhiều năm qua, chính sách đầu tư và các chế độ đãi ngộ tuy đã được cải thiện song vẫn còn hạn chế, nhất là chính sách đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Do đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách phù hợp tương xứng để lực lượng kiểm lâm yên tâm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR.

Đề cập về các giải pháp căn cơ cho phát triển ngành lâm nghiệp và lực lượng kiểm lâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp trong thời kỳ mới. Theo đó, chiến lược sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp và kiểm lâm nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ rừng, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, sinh kế cho người dân, lực lượng kiểm lâm, tiến tới xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững từ rừng.

Bên cạnh đó, chiến lược cũng sẽ bảo đảm tăng cường vai trò tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lâm nghiệp và quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản giảm thấp nhất tình trạng phá rừng. Đồng thời, chiến lược sẽ bảo đảm tăng cường đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR từng bước thay thế hoạt động trực tiếp của con người.

“Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Lâm nghiệp chủ trì phối hợp với Cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan, DN, ban quản lý rừng, chủ rừng, địa phương xây dựng Đề án phát triển đa dụng hệ sinh thái rừng với kỳ vọng đề án mở ra cơ hội mới cho rừng, cho người trồng rừng và giữ rừng” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.