Lực lượng lao động sau Tết Nhâm Dần 2022 thiếu từ 10 đến 15%

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự báo lực lượng lao động sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thiếu khoảng 10 đến 15%; so với những năm trước không phải là cao vì các DN đã có giải pháp giữ chân người lao động.

Thị trường lao động đã phục hồi cơ bản

Sau khoảng thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch, hàng loạt lao động làm việc ở TP Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đã về quê, điều này dễ dẫn đến đứt gãy thị trường lao động. Trao đổi với báo chí về giải pháp khắc phục đứt gãy thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Đại dịch Covid-19 về bản chất là từ khủng hoảng y tế đến đến khủng hoảng xã hội, trong đó có lao động việc làm bị ảnh hưởng nặng nề. Thể hiện rõ nhất ở việc từ tháng 4 đến tháng 10/2021, cả nước có 38 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 18 triệu lao động bị giãn việc hoặc tạm dừng làm việc. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, ước tính đã có khoảng 1,3 triệu lao động di chuyển từ TP Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam về quê.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi, động viên và tặng quà người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi, động viên và tặng quà người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

“Vấn đề chúng ta dự báo khi đại dịch diễn ra, đó là bên cạnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất thì việc lo lắng hơn là đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Vì thế, ngay từ rất sớm, trong tất cả các cuộc họp của Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ LĐTB&XH luôn nêu vấn đề này để bàn bạc và chủ động đối phó. Đến giờ này chúng ta có thể yên tâm vì thị trường lao động phục hồi rất nhanh

Bộ LĐTB&XH ước tính ban đầu, cuối quý 1 và đầu quý 2/2022, thị trường lao động mới trở lại được cơ bản. Nhưng đến hết tháng 12/2021, thị trường lao động đã phục hồi cơ bản. Cụ thể, 95% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm lao động đã hoạt động trở lại. Những vấn đề cốt lõi để bảo đảm duy trì cho người lao động cũng được thực hiện, đặc biệt là tiền lương, bảo hiểm. Các địa phương còn có hỗ trợ thêm để bảo đảm sàn an sinh cho người lao động...” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Người lao động quay trở lại làm việc sẽ chiếm tỷ lệ cao

Đề cập đến vấn đề thiếu lao động sau Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Hằng năm, trước Tết Nguyên đán, cả nước thường thiếu khoảng 10% lực lượng lao động, sau Tết thiếu 20%; nhưng năm nay trong hoàn cảnh này tỉ lệ sẽ thấp hơn. Bởi vì những người lao động khi đã về quê một thời gian và trở lại công ty làm việc, thông thường Tết ít khi về nhà. Thứ hai, các khu công nghiệp, các DN đều có phương án giữ chân người lao động như nâng lương, chế độ Tết, chế độ thưởng và các chính sách. Thứ ba, thời gian qua, các địa phương đều có những biện pháp phục hồi lao động. “Đến giờ này, theo báo cáo từ các tập đoàn lớn, những tổng công ty, DN nước ngoài thì lực lượng lao động Tết, chúng tôi dự báo chỉ thiếu khoảng 10 đến 15%. Và nếu thiếu 10 đến 15% lao động so với những năm trước đây thì không phải là cao. Đây là vấn đề chúng ta có thể an tâm được” – ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Người lao động được tư vấn, tìm hiểu thông tin về tuyển dụng lao động của DN tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.
Người lao động được tư vấn, tìm hiểu thông tin về tuyển dụng lao động của DN tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.

Trước những băn khoăn về việc hiện nay, có nhà máy mới chỉ hoạt động được hơn 60% công suất, thị trường lao động sẽ được phục hồi ra sao? Về vấn đề này, Tư lệnh ngành LĐTB&XH phản hồi: Thị trường lao động trong nước đã và đang trong phục hồi và đảm bảo cơ bản. Có những DN phục hồi 100%, có đơn vị 90% nhưng có công ty chỉ 60% nhưng bình quân chung là 85% - đạt mức độ cho phép được, không thiếu lao động trầm trọng. Nhưng cái thiếu hiện nay chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vì thời gian vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19 nên lượng lao động chuyển dịch từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ DN này sang DN khác. Do đó các DN buộc vừa phải tiếp nhận nhưng vừa phải bồi dưỡng. Những ngành nghề công nghệ thấp, không cần lao động chất lượng cao thì có được ngay nguồn lao động. Nhưng những ngành nghề công nghệ cao, kỹ thuật cao thì đòi hỏi có thời gian phục hồi và lực lượng lao động chất lượng cao.

Do đó, các DN này đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm hướng nghiệp để thực thi nhiệm vụ này. Vì thế, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nghĩ rằng, trong khoảng cuối quý 1, đầu quý 2 chúng ta cơ bản sẽ cơ bản đảm bảo được lực lượng lao động chất lượng cao như mong muốn.