Nhiều bất cập
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, việc sắp xếp phương tiện (xe đạp, xe máy) tại vỉa hè các tuyến đường phải thực hiện theo nguyên tắc: Khu vực sắp xếp là phía sát tường nhà dân, đầu xe hướng vào trong, cách tường hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m, bảo đảm tối thiểu 1,5m dành cho người đi bộ. Quy định là vậy, song thực tế việc chấp hành của người dân, đặc biệt với các hộ kinh doanh còn rất kém. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường, các hộ kinh doanh đã biến khu vực tổ chức sắp xếp phương tiện làm nơi bày bán hàng hóa, bàn ghế, đẩy phương tiện ra phần vỉa hè sát lòng đường.
Chưa hết, theo quy định hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến. Tức, vỉa hè phục vụ chủ yếu cho người đi bộ chứ không quy định chỉ dành riêng cho người đi bộ và không cấm đỗ xe. Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng có quy định như sau: Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định… Tuy vậy, thế nào là đỗ xe trên hè phố trái quy định thì luật không nêu cụ thể.
Sớm làm rõ những vướng mắc
Liên quan đến những bất cập này, Phó trưởng Công an phường Dịch Vọng Trương Quốc Chính cho biết, theo quyết định của TP, ở những vị trí nào trên vỉa hè có cây, các hạng mục công trình như bốt điện... thì phía trong sát nhà dân không được phép để xe máy. Song, thực tế tại nhiều tuyến đường, ngõ trước khi có Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND của UBND TP “Quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”, người dân đã có đề xuất để xe ra phía ngoài sát mép vỉa hè, để người đi bộ đi phía trong. Bởi, tại nhiều tuyến đường, phần diện tích vỉa hè sát với bó vỉa cũng là diện tích trồng cây xanh, đặt bốt điện… nếu để xe phía trong thì không còn lối cho người đi bộ.
Đồng quan điểm trên, lãnh đạo công an một phường trên địa bàn quận Thanh Xuân chia sẻ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, duy trì công tác quản lý trật tự đô thị, các lực lượng chức năng gặp khó khăn xuất phát từ những điều chưa rõ ràng của luật. Cụ thể, tại Hà Nội, UBND TP đã ban hành Quyết định 2053/QĐ-UBND ngày 27/5/2008 về phê duyệt 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn.
Với quyết định này, người tham gia giao thông có thể hiểu ngoài 56 tuyến phố này, những tuyến phố khác đều được đỗ xe trên hè, phố miễn là tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe hay không?... Chính sự chưa rõ ràng này đã khiến công tác quản lý trật tự đô thị, nhất là hành trình “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ gặp không ít khó khăn.
Từ những thực tế trên, lực lượng chức năng nhiều địa phương cho rằng, TP cần xem xét lại quy định sắp xếp phương tiện cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa bàn, từng tuyến đường để bảo đảm việc thực thi pháp luật có hiệu quả, tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân. Cùng với đó, các đơn vị có liên quan cần làm rõ “thế nào là sai quy định”, "thế nào là đúng quy định”, tránh tình trạng người dân và lực lượng chức năng mỗi bên hiểu một kiểu, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm trật tự đô thị, ATGT...