Lúng túng xử lý thuốc lá nhập lậu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mới đây, khi được yêu cầu cho ý kiến về kiến nghị này, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh rằng yếu tố pháp lý là vấn đề cần phải quan tâm đặc biệt trong câu chuyện tái xuất thuốc lá lậu.

Việc xử lý lượng thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả đang gây lúng túng cho các cơ quan chức năng vì khối lượng quá lớn.

Hàng năm, lượng thuốc lá nhập lậu thu hồi được vẫn đang được xử lý bằng cách thiêu hủy. Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo 127 Trung ương, lượng thuốc lá đưa ra thiêu hủy là quá lớn và do đó, việc thiêu hủy là quá lãng phí.

Cuối năm 2011, cơ quan này đã chính thức trình lên Văn phòng Chính phủ một bản kiến nghị về việc cho phép giữ lại lượng thuốc lá nhập lậu đảm bảo chất lượng để sau đó tái xuất và để lại 100% số thu từ nguồn này để phục vụ công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Tuy nhiên, khi kiến nghị này được gửi đến các cơ quan chức năng xin ý kiến thì lại không được ủng hộ do các vướng mắc về pháp lý cũng như các trở ngại từ thực tế.

Mới đây, khi được yêu cầu cho ý kiến về kiến nghị này, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh rằng yếu tố pháp lý là vấn đề cần phải quan tâm đặc biệt trong câu chuyện tái xuất thuốc lá lậu. Cụ thể, điều 15 Công ước khung quốc tế về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã ký kết tham gia quy định rằng để loại bỏ các sản phẩm thuốc lá bất hợp pháp, cần tiến hành các bước thích hợp để tiêu hủy các sản phẩm thuốc lá và cả các phương tiện sản xuất.

Hơn nữa, vào năm 2009, trong Quyết định số 1315/QĐ-TTg cũng quy định rằng phải "thực hiện nghiêm quy định thiêu hủy, không cho tái xuất các sản phẩm thuốc lá và phương tiện sản xuất thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm bất hợp pháp khác". Do đó, Bộ Tài chính cho rằng khó có đảm bảo về pháp lý cho việc tái xuất khẩu thuốc lá lậu.

Ngoài ra, ngay cả khi cho phép tái xuất thì theo Bộ Tài chính việc này cũng không hề đơn giản. Cụ thể, thuốc lá lậu tại miền Nam và miền Trung chủ yếu là Hero, Jet do công ty thuốc lá của Indonesia sản xuất, không dành cho thị trường khác ngoài Việt Nam do không hợp gu.

Trong khi đó, thuốc lá 555 chủ yếu tiêu thụ tại thị trường miền Bắc, miền Nam và Trung Quốc. Trung Quốc tuy không cấm nhập khẩu nhưng việc quản lý cũng chặt chẽ và hạn chế như Việt Nam và thuế suất cũng ở mức trần theo quy định của WTO.

Một trở ngại khác là thuốc lá khi muốn xuất sang nước khác một cách chính thức thì phải in bằng tiếng nước nhập khẩu nên rất khó tìm được thị trường thích hợp. Theo ghi nhận của Bộ Tài chính, trước đây đã từng thực hiện tái xuất thuốc lá lậu nhưng có hiện tượng thuốc lậu quay vòng lại Việt Nam.

Theo số liệu của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả hiện đang chiếm 21 - 22% tổng lượng tiêu thụ nội địa của ngành thuốc lá Việt Nam. Tuy nhiên ,số lượng thuốc lá lậu bắt giữ và thiêu hủy của các cơ quan chức năng chống buôn lậu chỉ khoảng 1 - 1,5%.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần