Đền Mẫu thờ Diệu Nương Thiên Tiên được người đời tán xưng là Nhàn Uyển phu nhân.

Tương truyền ngôi đền Lương Điền thần tích ngày ấy thờ Mẫu là Diệu Nương Thiên Tiên (hiệu Đền Từ Vân Phả Ấm linh từ). Bà chính là một nàng tiên từ đám mây hồng bước xuống trần gian sau đó sinh hoá trở thành mẫu (Nhàn Uyển phu nhân).

Vào thời vua Khải Định năm thứ 5 (1920) khi đi thị sát tại khu vực gần đó, nhà vua thấy có một ngôi đền nhỏ vô cùng hoang sơ. Sau khi cùng với đoàn tuỳ tùng vào trong đền để thắp hương lễ bái sau này thấy linh ứng, nhà vua đã ban cho ngôi đền sắc phong là Hầu quốc công trung đẳng thần - có công bảo quốc dực trung hưng (bảo vệ đất nước - niên hiệu Khải Định năm thứ 9).

Dù trải qua nhiều năm tháng nhưng sắc phong đến nay vẫn được người dân trong làng lưu giữ. Trong đền hiện vẫn giữ đôi câu đối cổ “Diệu nương xe giá đằng vân cát. Nhàn Uyển loan dư giáng hạ thần”.

Theo bà Trịnh Thị Chí, thủ nhang tại đền thì người dân làng Hoa Điền (Lương Điền) phụng thờ Mẫu từ năm nào không nhớ rõ, chỉ biết rằng từ thời vua Thành Thái 1824 ngôi đền đã từng được trùng tu, đến nay vẫn giữ được nét cổ kính, rêu phong trầm mặc.

Trên bờ nóc của ngôi đền vẫn còn dấu tích được người dân ngày xưa trang trí theo kiểu lưỡng long chầu nguyệt. Tất cả tạo nên sự tinh xảo, hài hoà giữa nghệ thuật điêu khắc, hội hoạ với nghệ thuật thư pháp, giữa nội dung và hình thức đã tạo nên một phong cách trang trí đặc sắc, riêng của ngôi đền cổ kính này.

Trong đền vẫn giữ được nhiều di vật có giá trị như chuông đồng có niên hiệu từ thời vua Thành Thái năm thứ 6 (1894), câu đối, đại tự, long sàng, long kỷ, kiệu giá… ca ngợi tấm gương của Mẫu Diệu Nương Thiên Tiên.
Lễ hội truyền thống đền Mẫu được tổ chức vào ngày 16 tháng giêng âm lịch. Năm 2024, được sự đồng ý của cơ quan chức năng, dân làng đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm đền Mẫu được cấp sắc phong của vua.

Cạnh đền còn có một miếu nhỏ Bạch Hoa thờ bà tổ cô họ Nguyễn. Tương truyền rằng, có một người con gái ngày đêm làm thuốc miệt mài để cứu dân, giúp nước. Thời đó dịch bệnh kéo dài liên miên, người con gái đó đã không quản ngại gian khó để cứu người, trị bệnh trong suốt thời gian dài. Người con gái này đã không lấy chồng. Để tưởng nhớ công lao của bà, dân làng lập miếu thờ cạnh đền Mẫu, sau này mộ bà được chuyển vào nghĩa trang của làng.

Tại đền còn lưu giữ cây thuốc quý, điều kì lạ là cây thuốc ấy quanh năm xanh tốt, rễ lan đến đâu thì mầm sống của cây mới lại mọc đến đó.
Ngày giỗ của bà, dân làng đến thắp hương để cầu bình an và đặc biệt những vật phẩm để dâng lên cúng bà đều là màu xanh (nên người dân mới gọi nơi đây là miếu cô Xanh).