Tác động từ xung đột Nga – Ukraine đến kinh tế Việt Nam:

Lường trước mọi kịch bản

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng Nga - Ukraine dù không thực sự ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam bởi tính liên thông, giao thương của kinh tế Việt Nam với các quốc gia trên là không lớn nhưng về lâu dài có những ảnh hưởng gián tiếp nhất định.

Mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6 - 6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4% là thách thức không nhỏ.

Giá hàng hóa tăng, lạm phát sẽ là trở ngại chính

Thực tế, kim ngạch xuất, nhập khẩu, giao thương kinh tế của Việt Nam với các nước như Nga, Ukraine ở mức nhỏ so với tổng kim ngạch. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nga năm 2021 đạt trên 7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga 4,9 tỷ USD. Với Ukraine, thương mại hai chiều mới đạt 720 triệu USD. Tức cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng

Về đầu tư, cho đến nay, Ukraine có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD (theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT tính đến tháng 9 năm 2020). Nga đứng vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng. Hiện số dự án Nga đầu tư vào Việt Nam là khoảng 150 dự án. Từ các số liệu trên cho thấy, tác động trực tiếp về mặt kinh tế giữa Việt Nam với các nước này không lớn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong dài hạn các lệnh trừng phạt của các nước với Nga cũng như bất ổn tại Ukraine sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới kinh tế Việt Nam thông qua giá cả hàng hóa tăng. Ukraine và Nga hiện chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì, 19% sản lượng ngô và 80% dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau UAE và Saudi Arabia với tổng sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 10 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, Nga và Ukraina dẫn đầu về sản xuất kim loại như niken, đồng và sắt trên toàn cầu.

Ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các DN tăng cao. Bên cạnh đó, việc lãi suất và chi phí vốn tăng lên thì những DN sử dụng đòn bẩy tài chính cao cũng sẽ bị giảm lợi nhuận. Còn phía nguồn cầu, lạm phát có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường.

Doanh nghiệp “nhấp nhổm” không yên

Trước đà tăng của nhiều loại hàng hóa trên thế giới, từ ô tô đến thực phẩm và chuỗi cung ứng bị thắt chặt, nhiều DN trong nước lo ngại khi giá cả nhiều sản phẩm tăng cao, khiến họ gặp khó trong nỗ lực phục hồi sau gần 2 năm chống chọi với dịch Covid-19. Ông Nguyễn Đức Tùng - giám sát công trình của Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC cho biết, xi măng, sắt thép, giá nhân công tăng hàng loạt trong mấy tháng qua khiến cả chủ đầu tư, nhà thầu và khách hàng lo lắng. “Chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng khi giá cả nhiều mặt hàng, nhất là nhân công tăng cao, cà phê, nguyên liệu, đường cũng rục rịch tăng. Đây là khó khăn hiện hữu trong năm 2022 mà DN phải đối mặt”- Ông Lê Anh Dũng - Giám đốc bán hàng chuỗi café Highlands tại khu vực Hà Nội cho biết.

Với lĩnh vực du lịch, bà Hoàng Thị Phong Thu - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lữ hành Pegas Misr Việt Nam khẳng định, chiến sự Nga - Ukraine ảnh hưởng lớn đến thị trường khách du lịch Nga của tỉnh Khánh Hòa. Đồng rúp mất giá sẽ khiến công ty mất đi một lượng khách Nga phân khúc tầm trung và thấp, số khác đã gác lại ý định đi du lịch. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Anex Việt Nam Nguyễn Đức Tấn cho biết, so với thời điểm chưa xảy ra chiến sự, lượng khách hủy tour hiện tăng lên khoảng 30%. Hiện Anex Việt Nam vẫn đang theo dõi tình hình chiến sự của Nga để có hướng điều chỉnh hoạt động đón khách Nga phù hợp.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,4 - 4% tổng chi phí sản xuất nền kinh tế. Với các lĩnh vực, ngành sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, hàng không, đánh bắt thuỷ sản... giá xăng dầu tăng sẽ tác động rất mạnh. Riêng lĩnh vực vận tải, chi phí xăng dầu là 35 - 40%. “Tình trạng này đã gây ra lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1,42%. Đây có thể là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam gặp khó khăn hơn” - TS Cấn Văn Lực cho biết. Do đó, theo ông Lực, cần tập trung và việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu và hỗ trợ mục tiêu kép của Chính phủ, qua đó vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đề xuất về việc kiềm chế giá xăng dầu để giảm áp lực lạm phát, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải cắt giảm ngay thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT để hạ giá thành. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tiếp tục chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa; đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, cũng có không ít ý kiến đề cập đến ảnh hưởng tích cực với kỳ vọng tìm cơ hội trong khó khăn. Nhóm ngành được các Công ty chứng khoán chỉ ra có thể hưởng lợi là thép. Nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này. Các chuyên gia phân tích cũng đánh giá tương tự với nhóm ngành phân bón nhờ kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phân bón tăng cùng giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao.

Trong lĩnh vực đầu tư, khi Ukraine khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt. “Nhìn rộng hơn, chúng ta còn được hưởng lợi từ việc EU có thể dời hoạt động kinh doanh đến nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định. Nên sau câu chuyện này có thể dẫn đến một điểm xoay chuyển gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực như Đông Nam Á, Đông Bắc Á" - ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập của FIDT nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu thách thức cũng như có đủ khả năng đón nhận hiệu quả hơn sự chuyển dịch vốn, chúng ta cần tiếp tục cải cách thể chế, phải thực hiện tốt nhất FTA đã cam kết và cải cách thực chất nhất. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến các thị trường Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu lớn để chủ động có giải pháp phù hợp… Với du lịch Việt Nam cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch của khách vào mùa Hè như khách châu Âu, ASEAN, Đông Bắc Á.

 

"Dù có nhiều biến động ngắn hạn bởi căng thẳng địa chính trị nhưng trong dài hạn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định. Điều này nhờ vào nhiều yếu tố như dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chảy mạnh vào Việt Nam, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ. Chẳng hạn gói 5 tỷ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng, gói 2,9 tỷ USD cho việc cắt giảm thuế giá trị hay khoản trợ cấp lãi suất ước tính 1,7 tỷ USD..." - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital Michael Kokalari

"Chi phí đầu vào của DN, chi phí tiêu dùng của người dân tăng lên. Đi kèm theo nó là giảm đi lợi nhuận của DN và thu nhập của người dân. Do đó, cần cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... như đã thực hiện trong thời gian qua." - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần