Mặc dù phải chịu nhiều năm tù đày nhưng ông vẫn kiên trì mục tiêu “khai dân trí” của phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục. Đặc biệt, ông là nhà nho có tư tưởng kinh doanh hiện đại và luôn truyền bá tư tưởng của mình cho cộng đồng.
Thủ lĩnh Đông Kinh Nghĩa Thục
Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập ở Hà Nội, khai giảng vào tháng 3/1907, do Lương Văn Can làm Thục trưởng. Đông Kinh Nghĩa Thục mở lớp không thu học phí, hoạt động công khai, hợp pháp, để bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chí tiến thủ cho quần chúng; truyền bá tư tưởng học thuật mới và nếp sống văn minh tiến bộ; phối hợp hành động, hỗ trợ cho các phong trào Đông Du, Duy Tân.
Trường kiên quyết chống hủ nho, dạy chữ quốc ngữ và các kiến thức mới về chính trị, kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật thiết thực, học không vì bằng cấp mà chủ trương “thực nghiệp”, dạy để có kiến thức “làm người”.
Điều mới và khác biệt là Đông Kinh Nghĩa Thục dạy các kiến thức về kinh doanh, về cách buôn bán.
Chỉ trong 9 tháng chính thức hoạt động (5/1907 - 1/1908), Đông Kinh Nghĩa Thục đã kịp ấn hành ba tài liệu kêu gọi chấn hưng thực nghiệp: Sách Quốc dân độc bản (1907) của Đông Kinh Nghĩa Thục, sách Nam Quốc địa dư (1907) của Lương Trúc Đàm, bài Hợp quần doanh sinh thuyết (1907) của Nguyễn Thượng Hiền.
Hai tờ báo Đại Việt Tân Báo do Đào Nguyên Phổ làm chủ bút và Đăng Cổ Tùng Báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút (phần quốc văn) là cơ quan ngôn luận không chính thức của trường đã đăng tải nhiều bài viết hô hào lập hội buôn, chấn hưng kinh tế.
Trường còn mở các hiệu buôn Đồng Lợi Tế, Tụy Phương, Công ty Đông Thành Xương, thúc đẩy việc thành lập các Công ty Quảng Hưng Long, Hồng Tân Hưng, Nghiêm Xuân Quảng, Đồng Ích... Có thể xem đây là các thực nghiệm cho chủ trương đổi mới mục tiêu đào tạo và cho tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can nói riêng, Đông Kinh Nghĩa Thục và các nhà Duy Tân nói chung.
Con đường nhận thức
Trước khi nói đến tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can, thiết nghĩ cần nói đến những trải nghiệm của ông như một nhà kinh doanh thực thụ. Là nhà Nho, nhưng do bối cảnh xã hội và gia đình nên từ sớm ông đã cùng với gia đình gắn với nghiệp buôn bán để sinh sống và hoạt động xã hội.
Ban đầu không trực tiếp kinh doanh nhưng vợ con ông kinh doanh giữa phố phường Hà Nội, ông hàng ngày tiếp xúc với việc kinh doanh, nên rất hiểu về công việc này.
Tiếp đến, trong thời kỳ Đông Kinh Nghĩa Thục, ông và các cộng sự cũng đã tổ chức việc kinh doanh. Và sau cùng, khi bị giam lỏng ở Nam Vang, ông lại cùng gia đình tổ chức kinh doanh xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Điều này giúp tầm nhìn và kiến thức về kinh doanh của ông càng thêm phong phú.
Mặt khác, thời đại ông sống cũng là một bước thay đổi rất lớn không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế, đặc biệt là thương mại. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người Pháp bắt đầu chương trình khai thác thuộc địa ở Đông Dương.
Tầng lớp thương nhân Việt Nam hình thành, cố gắng vượt lên chính mình trong thương trường nhưng luôn bị chèn ép bởi tư bản Pháp và Hoa. Một số doanh nhân người Việt trong bước đầu khởi nghiệp đã biết sử dụng lòng yêu nước của dân chúng như một vũ khí giúp phá thế kìm kẹp của tư bản Pháp và Hoa. Trương Văn Bền, Bạch Thái Bưởi, và Trần Trinh Trạch là tiêu biểu.
Cũng lúc này, với các nhà nho Duy Tân, tư duy chấn hưng thực nghiệp hình thành và được cổ động.
Trong bối cảnh đó, đồng chí hướng phát triển kinh tế nước nhà, báo chí của người Việt đã lên tiếng, phát động các phong trào “Chấn hưng thực nghiệp”, “Tẩy chay Khách trú”, và “Chấn hưng thương trường”.
Diễn đàn đầu tiên của doanh nhân người Việt là Nông Cổ Mín Đàm đã đứng ra phát động phong trào “Chấn hưng thực nghiệp”, “Tẩy chay Khách trú” chấn động toàn quốc vào năm 1919.
Bản thân Đông Kinh Nghĩa Thục, ngoài việc biên soạn các sách, tài liệu như đã nói còn phát huy tốt các tờ báo Đại Việt Tân Báo và Đăng Cổ Tùng Báo.
Ngoài ra còn có các tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Thực Nghiệp Dân Báo, Khai Hóa Nhật Báo, Ðông Dương Tạp Chí (1913 - 1919) và một số tờ khác, dù ít hay nhiều, đều cổ động chấn hưng thực nghiệp, khuyến khích kinh doanh, phát triển nền kinh tế của người Việt.
Là người trong cuộc, Lương Văn Can, từ cái nhìn trực tiếp và tổng quan của một nhà duy tân đã định hình nhận thức và hình thành tư tưởng kinh doanh của mình.
Xác lập tư tưởng kinh doanh mới
Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can được hình thành từ khá sớm và tiếp tục được hoàn thiện trong quá trình hoạt động yêu nước và kinh doanh ông, của gia đình và của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Ngay từ năm 1907, Quốc dân độc bản của Đông Kinh Nghĩa Thục ấn thành đã có đến 24/79 bài hướng đến mục tiêu phổ biến tri thức mới về kinh tế. Những khái niệm, những vấn đề cơ bản về kinh doanh, kinh tế hiện đại được phổ biến và giải thích rõ ràng để thúc đẩy tinh thần thực nghiệp.
Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can được tiếp tục hoàn thiện trong hai tác phẩm Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn. Sách Kim cổ cách ngôn được in vào năm 1925, sách Thương học phương châm được in năm 1928.
Kim cổ cách ngôn nói về đạo đức/ văn hóa kinh doanh, về chữ tâm của doanh nhân; Thương học phương châm bàn về phương thức kinh doanh, về những nguyên tắc để kinh doanh thành đạt, về chữ tài của người kinh doanh. Ông là người đầu tiên xây dựng triết lý về hai giá trị cốt lõi “thương đức” và “thương tài”, định hình một cách có hệ thống “đạo làm giàu” cho doanh nhân Việt Nam đang trong quá trình hình thành dưới ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng mới.
Tiếp theo Phan Kế Bính, Lương Văn Can đã chỉ ra 10 điểm làm cho kinh doanh của nước nhà không phát triển. Đó là: 1. Không có thương phẩm; 2. Không có thương hội; 3. Không có tín thực; 4. Không có kiên tâm; 5. Không có nghị lực; 6. Không biết trọng nghề; 7. Không có thương học; 8. Kém đường giao thiệp; 9. Không biết tiết kiệm; 10. Không nội hóa.
Từ đó, ông đưa ra hệ thống quan điểm, hay là tư tưởng kinh doanh của mình. Bao gồm:
Buôn bán, kinh doanh là một nghề lương thiện, kinh doanh phải minh bạch và chính trực. “Việc gì trái lương tâm mình thì không nên làm, việc gì trái công lý thì không nên làm, việc gì hại người thì không nên làm, việc gì gây nên ác nghiệp thì không nên làm”; “Nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm”.
Điều kiện tiên quyết để có thể thành công trên thương trường là phải học kinh doanh một cách nghiêm túc với tất cả “công phu”, “khí lực”.
“Đã nhận một chức nghiệp gì thì phải nghiên cứu những sự vụ đó có gì quan thiết đến chức nghiệp mình, suy xét tình hình cho kỹ…, dẫu làm kỹ nghệ nhỏ cũng cốt phải dùng cả khí lực, cũng cốt phải dùng công phu nhẫn nại mới được”.
Kinh doanh phải nhằm mục tiêu cao nhất là phụng sự xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Muốn vậy, không được xem lợi nhuận là mục tiêu duy nhất trong kinh doanh, mà phải biết đem của cải, lợi nhuận của mình đóng góp cho xã hội: “Cứu người nạn, giúp người ngặt, cho người nghèo, thương người khổ, những việc thiện đó là chỗ nên tiêu tiền”.
Phải sử dụng của cải, tiền bạc sao cho có ích, đúng chỗ, đúng lúc. “Việc gì nên chi thì chẳng nên kiệm, việc gì cần phải kiệm thì chẳng nên chi”; “cần thì làm ra của, kiệm thì ít tốn của, cần mấy kiệm là cái đạo trị sinh vậy”.
Phải nêu cao ý thức đoàn kết giữa các DN và phát huy tinh thần tập thể trong nội bộ từng DN. Ở mỗi DN, cần làm cho “người trong hiệu tình nghĩa liên lạc với nhau...”. Đồng thời, “không những nên biết chức nghiệp trong hàng mình, lại nên biết tình hình bên ngoài nữa…, nếu chỉ biết lợi mình mà không nghĩ đến người mình cũng không chuyên lợi được mãi đâu”.
Không chỉ phổ biến tri thức/ triết lý mới, cổ động chấn hưng thực nghiệp, Lương Văn Can cùng gia đình và các sĩ phu đồng chí còn trực tiếp đứng ra kinh doanh, mở đường chấn hưng thực nghiệp. Không chỉ tổ chức sản xuất kinh doanh trong nước, ông còn dấn thân mở đường hình thành ngành ngoại thương của người Việt.
Là người tiên phong và trải nghiệm sâu sắc hoạt động thực nghiệp, Lương Văn Can đã góp phần rất quan trọng định hình triết lý kinh doanh, kiến tạo văn hóa kinh doanh cho cộng đồng doanh nhân Việt trong giai đoạn hình thành, bước đầu hội nhập với thị trường quốc tế. Và, cho đến hôm nay, tư tưởng kinh doanh của ông vẫn còn giá trị.