Theo đó, người có thẻ BHYT hết hạn khi đang khám chữa bệnh không nhiều, tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng người lao động đã hết hợp đồng lao động hoặc cơ quan chậm đóng BHYT và rơi vào thời điểm chuyển giao giữa các năm. Ngoài ra, nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình có thể không theo năm tài chính, nên khi hết hạn thì quên hoặc không tham gia tiếp. Với nhóm đối tượng hộ gia đình khi gần hết hạn thẻ BHYT, cần tiếp tục mua ngay thẻ BHYT, giá trị sử dụng thẻ sẽ nối tiếp với thẻ cũ và quyền lợi BHYT của họ được liên thông. Với người lao động đóng BHYT, họ cần đề nghị ngay với cơ quan của mình xem đã mua tiếp BHYT hay chưa, nếu đã tham gia rồi nhưng chưa đến thời hạn được nhận thẻ BHYT thì yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận đã gia hạn BHYT để đảm bảo quyền lợi BHYT. Đối với các nhóm đối tượng phải lập danh sách chuyển cơ quan BHXH mới được cấp thẻ (như người nghèo, bảo trợ xã hội, người có công, người sống ở xã đảo, huyện đảo…) thì vẫn được đảm bảo quyền lợi đến hết đợt điều trị.Với các bệnh nhân sắp hết hạn thẻ BHYT, cần chủ động liên lạc với cơ quan BHXH để đăng ký mua tiếp. Trong trường hợp đang điều trị tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân có thể đến BHXH Việt Nam tại địa phương để gia hạn thẻ. Chỉ cần bệnh nhân có giấy hẹn của cơ quan BHXH xác nhận đang chờ cấp thẻ mới thì vẫn được hưởng quyền lợi đầy đủ. Được biết, BHXH Việt Nam đang xem xét phương án phát hành thẻ BHYT trong ngày cho bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng nhằm bảo đảm thuận lợi tối đa quyền lợi, tạo điều kiện cho người bệnh. Trong các trường hợp vướng mắc về quyền lợi, bệnh nhân và người nhà liên lạc với đường dây nóng của BHXH Việt Nam 1900969668 để được hướng dẫn cụ thể”.