Theo nhiều thí sinh, website chậm, khó vào; khi vào được lại không chọn được ca thi; giờ mở đăng ký đúng thời gian học sinh học bài trên lớp, phần mềm chưa ổn định… là những ý kiến phàn nàn của thí sinh và phụ huynh khi đã cố gắng mà không thể đăng ký tham gia đợt thi 205; có em vào tận 10 lần, trực nhiều tiếng nhưng rốt cuộc vẫn… bó tay.
Theo Trung tâm Khảo thí- ĐH Quốc gia, số thí sinh truy cập đăng ký sáng 9/3 là gần 27.000, trong khi số chỗ thi của đợt 205 chỉ là 8.500. 8 giờ 15 đã có 15.000 tài khoản chờ đăng ký, vì vậy, việc một số thí sinh không kịp cũng dễ hiểu và khi hết chỗ thì các thí sinh vào sau sẽ không thể đăng ký được. Các bước đăng ký đã được Trung tâm hướng dẫn rất rõ ràng trước đó; khi thí sinh không thấy xuất hiện ca thi nghĩa là đã hết chỗ. Các ca thi chỉ xuất hiện khi còn chỗ trống.
Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo cho rằng việc thí sinh chưa đăng ký được không phải do mạng hay website bởi hệ thống mạng đăng ký mới chỉ khai thác được 30% công suất. Nếu tổ chức đăng ký trực tiếp thì khi thí sinh đến cũng phải xếp hàng và khi đủ 8.500 suất thì số còn lại cũng đành chấp nhận đăng ký đợt sau. Các thí sinh không nên lo lắng khi chưa đăng ký được đợt này mà bình tĩnh chờ đợt sau bởi thi trước hay thi sau thì quyền lợi cũng không bị ảnh hưởng. Hơn nữa lịch thi với lịch xét tuyển sẽ cách biệt nhau. Thi xong các em sẽ có điểm, rồi mới nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường.
Với những thí sinh đã thi ít nhất một lượt trước đó sẽ không được ưu tiên bằng thí sinh lần đầu đăng ký vì hệ thống phải mất nhiều thời gian hơn cho việc đọc hồ sơ của thí sinh thi nhiều lượt; những thí sinh lần đầu đăng ký sẽ đăng ký được nhanh hơn.
Về thời gian mở cổng đăng ký, ông Nguyễn Tiến Thảo nói: Lịch mở cổng đăng ký của các đợt thi được công bố trước Tết Nguyên đán. Từ đợt 206, Trung tâm điều chỉnh lịch mở cổng đăng ký vào 10 giờ. Thời gian mở cổng đăng ký được thực hiện trong giờ hành chính vì liên quan đến các nhân sự thực hiện nhiều phần việc.
Kỳ thi này không tổ chức một lần như kỳ thi tốt nghiệp THPT mà tổ chức nhiều đợt. Trung tâm phải phân chỗ tổ chức trước khi đăng ký nên mới phải khống chế số chỗ đăng ký dự thi từng đợt. Các đợt thi tháng 5-7/2022 (thời gian đăng ký trong khoảng tháng 3 đến tháng 5), số chỗ sẽ tăng lên gấp 5-8 lần để phục vụ tới gần 60.000 thí sinh dự thi.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia, nhiều thí sinh và phụ huynh hiện có tâm lý coi kỳ thi đánh giá năng lực các đợt trước là “thi thử”; muốn đăng ký nhiều lần, thi nhiều lần để kỳ thi sau đạt điểm cao phục vụ xét tuyển. “Đánh giá năng lực mở ra không nhằm mục tiêu để thí sinh thi thử. Trung tâm không khuyến khích thí sinh đăng ký nhiều đợt thi trong năm vì điểm thi giữa các đợt thi hầu như không thay đổi. Ngược lại, việc đăng ký đợt đầu để "thi thử" hay "thi chơi" sẽ tạo tâm lý chuẩn bị không tốt cho chính thí sinh dự thi"- ông Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.
Được biết, năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 16 đợt thi HSA, kéo dài từ cuối tháng 2 đến tháng 8. Địa điểm thi được đặt tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, ngày 26-27/2, kỳ thi HSA đợt đầu tiên đã diễn ra tại điểm thi ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Thái Nguyên. Có hơn 1.100 trong tổng 1.300 thí sinh đăng ký đến dự thi. Đợt thi này phục vụ chủ yếu thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT (tốt nghiệp từ các năm trước). Để đảm bảo công tác phòng dịch, thí sinh được sàng lọc y tế trước khi vào khu vực thi. Những em có biểu hiện liên quan đến Covid-19 sẽ được test nhanh trước khi vào phòng.