Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý giải nguyên nhân kinh tế Đức liên tục trượt dốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Sóng gió" liên tục ập đến với nền kinh tế số một châu Âu.

Khi cử tri Đức đi bầu vào ngày 23/2 để quyết định chính phủ tiếp theo, họ sẽ phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại: nền kinh tế số một châu Âu đã không có sự tăng trưởng đáng kể trong suốt 5 năm qua. Đây là một sự thay đổi đáng kinh ngạc đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn từng là động lực xuất khẩu và thống trị thương mại thế giới với các sản phẩm kỹ thuật cao như máy móc công nghiệp và xe hơi hạng sang.

Các chuyên gia nhận định những lý do chính khiến nền kinh tế Đức tiếp tục suy thoái.

Kinh tế Đức liên tục đối mặt thách thức trước cuộc bầu cử lớn. Ảnh: DW
Kinh tế Đức liên tục đối mặt thách thức trước cuộc bầu cử lớn. Ảnh: DW

Cú sốc năng lượng từ Nga

Việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức khi xung đột tại Ukraine diễn ra đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế. Trước đó, mô hình kinh doanh của Berlin dựa vào nguồn năng lượng giá rẻ để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Năm 2011, Thủ tướng Angela Merkel quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân, đồng thời vẫn dựa vào khí đốt Nga để thu hẹp khoảng cách trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Khi Nga dừng cung cấp khí đốt, giá nhiên liệu và điện ở Đức tăng vọt, làm gia tăng chi phí cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, phân bón, hóa chất và thủy tinh. Đức buộc phải chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Qatar và Mỹ, với giá thành cao hơn so với khí đốt qua đường ống từ Nga.

Theo nghiên cứu của Prognos AG, chi phí điện cho các doanh nghiệp công nghiệp ở Đức hiện nay trung bình là 20,3 euro cent/kWh, trong khi ở Mỹ và Trung Quốc chỉ là 8,4 euro cent/kWh. Mặc dù Đức đang thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhưng quá trình này chưa diễn ra đủ nhanh. Sự phản đối của địa phương đối với việc lắp đặt tua-bin gió và sự chậm trễ trong việc phát triển hạ tầng vận chuyển hydro khiến nhiều ngành công nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Trung Quốc: Từ khách hàng thành đối thủ cạnh tranh

Trước đây, Đức hưởng lợi từ việc Trung Quốc gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Các công ty Đức đã tìm thấy một thị trường khổng lồ cho máy móc công nghiệp, hóa chất và xe hơi. Đặc biệt, các hãng xe như Mercedes-Benz, Volkswagen và BMW đã thu lợi nhuận lớn khi bán hàng tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển từ khách hàng thành đối thủ cạnh tranh. Các tấm pin mặt trời được trợ cấp của quốc gia tỷ dân đã góp phần đẩy ngành sản xuất pin mặt trời của Đức đến bờ vực. Hiện nay, ngành công nghiệp toàn cầu phụ thuộc vào công nghệ và sản xuất của Trung Quốc thay vì Đức. Bắc Kinh cũng đẩy mạnh trợ cấp cho các ngành công nghiệp xuất khẩu như thép, máy móc, xe điện và pin EV, tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp lên các công ty Đức.

Đức, với nền kinh tế tập trung vào ngành ô tô, chịu tác động mạnh nhất từ chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Từ chỗ không phải là nước xuất khẩu xe ròng vào năm 2020, đến năm 2024, Trung Quốc đã xuất khẩu 5 triệu xe mỗi năm, trong khi xuất khẩu ròng của Đức giảm một nửa xuống còn 1,2 triệu xe.

Thiếu đầu tư vào hạ tầng

Trong thời kỳ thịnh vượng, Đức đã không đầu tư đủ vào các dự án dài hạn như đường sắt và internet tốc độ cao. Do chính sách cân bằng ngân sách, chính phủ cân đã hạn chế chi tiêu để nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, người dân Đức đang gặp nhiều trở ngại khi di chuyển do hệ thống đường ray cũ. Internet tốc độ cao vẫn chưa phổ biến ở một số vùng nông thôn. Một số dự án xây dựng đường dây truyền tải điện quan trọng từ miền Bắc đến miền Nam để cung cấp năng lượng tái tạo bị trì hoãn đến năm 2028. Ngoài ra, một cây cầu quan trọng nối vùng công nghiệp Ruhr với miền Nam bị đóng cửa vào năm 2021, nhưng phải đến năm 2027 mới có cầu thay thế.

Thiếu lao động có tay nghề

Nhiều công ty Đức gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng phù hợp, từ nhân viên công nghệ thông tin đến nhân viên chăm sóc sức khỏe và khách sạn. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, 43% công ty cho biết họ không thể tuyển đủ người. Tỷ lệ này còn cao hơn, lên đến 58%, đối với các công ty có hơn 1.000 nhân viên.

Số lượng sinh viên Đức theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) ngày càng giảm. Dân số già hóa và tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng khiến nhiều phụ nữ phải làm việc bán thời gian hoặc không tham gia lực lượng lao động. Các thủ tục hành chính rườm rà cũng làm chậm quá trình tuyển dụng lao động nhập cư có tay nghề cao, dù đã có luật mới được ban hành vào năm 2020 và sửa đổi năm 2023 để đơn giản hóa quy trình này.