Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý giải tại sao Quốc hội tổ chức các “Kỳ họp bất thường”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 5/1/2023, xem xét quyết định năm nội dung. Kỳ họp được tổ chức trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, để xem xét, quết những vấn đề cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp hai Kỳ thường lệ mỗi năm và kỳ họp bất thường khi cần để xem xét các vấn đề cần thiết, cấp bách. Kỳ họp thường kỳ khai mạc vào ngày 20/5 và 20/10 hằng năm như Nội quy kỳ họp Quốc hội đã ấn định; Kỳ họp bất thường diễn ra giữa hai kỳ họp thường lệ liền nhau. Kỳ họp bất thường được tổ chức trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

“Bất thường” theo nghĩa chung nhất là, sự việc diễn ra khác với bình thường, khác với thông lệ. Do đó Kỳ họp bất thường của Quốc hội là kỳ họp khác với quy định của kỳ họp thường lệ. Tính chất thời sự của nội dung kỳ họp bất thường không như những nội dung của kỳ họp thường lệ. Nếu kỳ họp thường lệ có những nội dung có thể giải quyết trong nhiều kỳ họp, thì nội dung của kỳ họp bất thường chủ yếu là những nội dung cấp bách, triển khai sớm được ngày nào thì có lợi ngày ấy, những việc không thể trì hoãn, không thể chờ đến kỳ họp thường lệ.

“Cái tên bất thường cũng gắn với yếu tố cấp bách”- theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Như vậy, việc tổ chức Kỳ họp bất thường là để giải quyết những việc cần thiết, cấp bách; nếu để lại sẽ chậm 5 tháng mới quyết định được.

Theo đó, khi có những việc cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm thì Quốc hội sẽ có thêm những kỳ họp bất thường khác bên cạnh hai kỳ họp thường kỳ, với mục tiêu tối thượng là phục vụ Nhân dân, phục vụ cho phát triển đất nước, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, không bị ách tắc; thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin về nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin về nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội

Quốc hội khóa XV đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào đầu năm 2022 để xem xét, quyết định bốn vấn đề quan trọng gồm: Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Lầm này, căn cứ vào đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, công tác chuẩn bị đã chín muồi, Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần 2. Như Chủ ịch Quốc hội đã nhấn mạnh: “Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết vấn đề cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận cao. Bất thường chỉ là tiến độ chứ không coi nhẹ chất lượng. Vấn đề cấp bách mà chưa chuẩn bị kịp thì đưa vào phiên thường kỳ, đó là nguyên tắc”.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 5 nội dung quan trọng.

Cụ thể, thứ nhất, Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Thứ ba, xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Thứ tư, xem xét một số vấn đề về tài chính, ngân sách, gồm việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Thứ năm, xem xét quyết định về công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác (nếu có). 

Dự kiến Kỳ họp bất thường lần thứ 2 khai mạc vào ngày 5/1/2023 và bế mạc vào chiều 9/1/2023. Kỳ họp dự kiến diễn ra theo hình thức tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội.