Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Ma men" nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng sau 2 tuần áp dụng Nghị định 100

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/1, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, sau 2 tuần thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/NĐ-CP, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 49 tỷ 738 triệu đồng. Trong đó, 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý, phạt tiền 21 tỷ 013 triệu đồng.

  Từ ngày 1/1 đến ngày 15/1, toàn quốc xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người, bị thương 158 người.
Theo đó, từ ngày 1/1/2020, Cục Cảnh sát giao thông đã giao các đơn vị chức năng đôn đốc, nắm tình hình việc triển khai của các địa phương, hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc ban đầu khi triển khai thực hiện và tổng hợp kết quả xử lý hàng ngày.
Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh 475 trường hợp, Thanh Hóa 379, Tây Ninh 341, Đồng Nai 327, Đắk Lắk 2.140, TP Hồ Chí Minh 209, Long An 203, Thừa Thiên Huế 135, Vĩnh Phúc 180, Hà Nội 136, Bình Dương 159, Bình Định 176, Cần Thơ 124, Nghệ An 182, Phú Yên 115... Trong đó 1.330 trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bị xử lý, gồm: Đồng Nai 118, Long An 115, Bình Dương 93, TP Hồ Chí Minh 70, Bắc Ninh 68, Thanh Hóa 63, Trà Vinh 63, Bắc Giang 54…
Cục Cảnh sát giao thông thông tin thêm, nhiều công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn cũng bị lực lượng chức năng xử lý. Tại Thái Bình, cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xử phạt một Phó Giám đốc bệnh viện 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày; tại Quảng Bình đã xử phạt một Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và hiện nay, Phòng Giáo dục và đào tạo đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này.
Có 3 địa phương (Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Hà Nội) đã có xử phạt người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn, trong đó có cả người nước ngoài vi phạm.
Về tình hình giao thông cả nước, nhìn chung tai nạn giao thông từ ngày 1/1 đến ngày 15/1 xảy ra 322 vụ, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với thời gian trước liền kề giảm 31 vụ (-8,8%), giảm 38 người chết (-13,2%), giảm 57 người bị thương (-26,5%).
Với sự cương quyết thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thúc đẩy Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống.
Về thông tin ăn hoa quả và uống siro bị xử lý vi phạm nồng độ cồn, Cục Cảnh sát giao thông đã tổ chức thực nghiệm hơn 150 test thử, cho nhân vật ăn các loại hoa quả khác nhau, uống siro ho và nước hoa quả lên men … rồi kiểm tra nồng độ cồn, kết quả cho thấy: Hoa quả tươi trước và sau khi ăn không phát hiện nồng độ cồn; siro và chanh đào có phát hiện nồng độ cồn, định lượng giao động trong khoảng 0,8 - 1,9 tùy vào liều lượng sử dụng. Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi khoảng 2 - 5 phút thử lại hoặc uống 01 cốc nước thì lại về mức không có nồng độ cồn. Nội dung này, Cục Cục Cảnh sát giao thông đã tổ chức thông tin cho báo chí để tuyên truyền giúp người dân hiểu đúng và chấp hành tốt quy định của pháp luật, đồng thời hướng dẫn lực lượng Cảnh sát giao thông khi kiểm tra các trường hợp có trình bày sử dụng siro hoặc thuốc, sẽ cho chờ nghỉ sau 10 - 15 phút hoặc uống nước và kiểm tra lại.