Lợi ích cộng hưởng
Thị trường khá bất ngờ trước thông tin dồn dập về thương vụ PGBank sẽ về một nhà với HDBank vì từ 3 năm trở lại đây ngân hàng xăng dầu đã công bố kế hoạch sáp nhập về Vietinbank. Nói là dồn dập bởi trước hết là Tập đoàn mẹ Petrolimex ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với tổ hợp HDBank, Vietjet… Ngay sau đó tại 2 đại hội cổ đông được diễn ra cùng thời điểm, 100% cổ đông PGBank đồng ý sáp nhập vào HDBank, còn tỷ lệ đồng ý ở HDBank là 94,28%.Đề án sáp nhập cũng được công bố khá chi tiết, theo đó hai ngân hàng sẽ triển khai ngay trong tháng 4, tháng 7, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1: 0,621 và tháng 8/2018 sẽ hoàn tất việc sáp nhập.Chưa cần phân tích đâu xa, nước cờ của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trong thương vụ sáp nhập này được giới quan sát cho là vô cùng cao tay. Về mặt hữu hình, PGBank có tài sản khá lành mạnh và đã bảo toàn được nguồn vốn tránh khỏi các cú sụt khủng hoảng của những năm trước.
Lợi lớn hơn là thông qua thương vụ này, HDBank có thể đặt chân vào một ngành thiết yếu của đất nước là cung cấp xăng dầu. Hiện thị phần của Petrolimex lên tới xấp xỉ 50%, tốc độ tăng trưởng của ngành này vẫn duy trì 7 - 8%/năm trong hàng chục năm nữa. Đáng lưu ý hơn là, HDBank có thể tiếp cận các dự án khủng như đầu tư kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong, cung cấp nhiên liệu bay cho thị trường hàng không đang đầy tiềm năng…Khác với thương vụ Vietinbank trước đây có dính đến yếu tố tiền Nhà nước nên thủ tục và cấp phép vô cùng khó khăn, trải qua nhiều bước thẩm định, việc sáp nhập vào HDBank sẽ diễn ra thuận lợi bởi cơ cấu cổ đông tập trung và đều là các nhà đầu tư lớn quyết định.Sẽ thêm nhiều vụ sáp nhập?Với những yêu cầu của Basel II và sự cạnh tranh ngày một quyết liệt, các ngân hàng đang phải chạy đua để mở rộng và tìm kiếm các không gian tăng trưởng mới. Đặc biệt khi nền kinh tế hiện nay đang ngày một chuyển dịch sang khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nếu các ngân hàng không tự nâng cấp và trang bị năng lực tài chính lớn mạnh, dịch vụ chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ tụt hậu.
Mua bán và sáp nhập DN (M&A) do vậy đang là giải pháp hữu hiệu. Không phải đến giờ các ngân hàng mới nhận ra điều này, từ vài năm trước, sau khi cuộc khủng hoảng của ngành tài chính bùng nổ, vẫn có những ngân hàng âm thầm trao đổi, đàm phán nhưng thực sự còn e dè. Cũng đã có những mối duyên tưởng đến ngày ra quả được thị trường đồn đoán như ABBank bắt tay với Đông Á Bank, MBBank với PGBank… nhưng rút cuộc đó chỉ là tin đồn.Một mặt các ngân hàng tự tái cấu trúc và tìm đến nhau, thì một động thái tích cực cũng khởi động là việc bán cổ phần cho các ngân hàng ngoại. Nổi bật là việc BIDV sẽ phát hành cổ phần cho ngân hàng nước ngoài là một tập đoàn tài chính Hàn Quốc. Năm ngoái giới phân tích đã ngỡ rằng thương vụ này đi đến hồi kết bằng một hợp đồng nhưng do BIDV có vốn Nhà nước chi phối nên việc phát hành cổ phần cho ngân hàng nước ngoài được nhìn nhận mất nhiều thời gian vì cần đàm phán và phê duyệt phương án bán cổ phần. Do vậy, nhiều khả năng thương vụ phát hành sẽ lui thời điểm hoàn tất sang năm 2018.
Hồi đầu năm 2017, Vietcombank cho biết ngân hàng này đã chủ động xây dựng, hỗ trợ một ngân hàng thương mại yếu kém, sau khi nhận được phê chuẩn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói rằng, giai đoạn đầu tiên của quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã diễn ra không mấy thành công khi các nhà băng về tay nhiều ông bà chủ tư nhân, kéo theo căn bệnh nợ xấu do rót vốn các công ty sân sau. Nay ở giai đoạn mới, kỳ vọng M&A sẽ đem đến những quả ngọt thực chất bởi phép cộng từ 2 cơ thể to xác nhưng mục ruỗng bên trong một cách phi thị trường giờ đang phải trả giá bằng nhiều bài học rất đắt. Với những giải pháp hỗ trợ thiết thực mới, khả năng sắp tới sẽ có thêm nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập trong ngành ngân hàng.