Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạch nguồn văn hóa trong “Văn nghệ Đan Phượng 2024”

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/3, trong không khí vui tươi, phấn khởi đầu Xuân Giáp Thìn 2024, mừng ngày Thơ Việt Nam, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng tổ chức giới thiệu tập “Văn nghệ Đan Phượng 2024”.

Món quà đầu Xuân

Từ ấn phẩm đầu tiên là tuyển tập “Đan Phượng thơ” được ra mắt vào Xuân Quý Mùi năm 2003 đến năm 2011 có 9 ấn phẩm “Đan Phượng thơ” được ra mắt đều đặn vào đầu Xuân năm mới. Đến năm 2012, ấn phẩm tập hợp các thể loại thơ, ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh… trở thành tập “Văn nghệ Đan Phượng”. Và đến Xuân Giáp Thìn 2024, ấn phẩm “Văn nghệ Đan Phượng” thứ 24 tiếp tục được giới thiệu tới độc giả gần xa.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn cùng lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng sự kiện.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn cùng lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên chia sẻ, sự ra đời và liên tục các ấn phẩm “Đan Phượng thơ”, “Văn nghệ Đan Phượng” là minh chứng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đan Phượng đối với ngành văn hóa, đối với các văn nghệ sĩ trong và ngoài huyện. Qua đó tạo ra nhiều động lực góp phần xây dựng huyện Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đặc biệt, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 244 ngày 15/12/2022 về thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, càng tiếp thêm động lực phát triển văn hóa địa phương.

Tập “Văn nghệ Đan Phượng 2024” với 270 trang sách gồm nhiều thể loại như văn, thơ, nhạc, nhiếp ảnh, thư pháp và các bài nghiên cứu về truyền thống văn hóa của  quê hương. Các tác giả Đan Phượng và các văn nghệ sĩ gửi gắm vào từng trang sách tình yêu quê hương đất nước, sự kính trọng ngợi ca công ơn Bác Hồ vĩ đại, Đảng quang vinh, ngợi ca truyền thống quê hương Đan Phượng anh hùng.

Biểu diễn nghệ thuật tại chương trình.
Biểu diễn nghệ thuật tại chương trình.

Theo lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, tập “Văn nghệ Đan Phượng 2024”  là một món quà quý nhân dịp đầu Xuân năm mới gửi tới quý độc giả, một bữa tiệc tinh thần phong phú, đậm vị quê hương, thể hiện tấm lòng trân trọng, tự hào của các tác giả đối với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Đan Phượng.

Dấu ấn văn hóa quê hương phụ nữ “Ba đảm đang”

Ấn tượng đầu tiên nổi bật ngay từ bìa sách “Văn nghệ Đan Phượng 2024” là sắc màu ấm áp của hoa đào ngày Tết trên nền tranh vẽ hội “thi nấu cơm”. Đây là hình ảnh tái hiện lễ hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng. Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân là sinh hoạt văn hóa cổ truyền được bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên dòng sông Đáy.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên phát biểu tại chương trình.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên phát biểu tại chương trình.

Hội là dịp trai tráng trong làng đua tài khỏe mạnh, thông minh khi lấy lửa, là dịp để gái làng thể hiện bàn tay khéo léo, đảm đang để có cơm dẻo tiếp binh lương. Hình ảnh thể hiện sự chung sức mục tiêu phấn đấu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Đan Phượng quyết tâm xây dựng huyện trở thành quận.

Đặc biệt, trong “Văn nghệ Đan Phượng 2024”, nhiều tác phẩm thể hiện tình yêu, niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”. Như tác giả Trần Thị Cự, xã Tân Hội đã viết trong bài thơ “Tân Hội quê hương tôi”: “Thượng Hội rạng rỡ sáng ngời/Thuần phong mỹ tục đẹp tươi vô ngần/Rạng ngời sự tích danh nhân/Lời ca ấm mãi tiếng ngân Chèo tàu”.

Tình yêu quê hương Đan Phượng cũng được gợi nhắc trong bài thơ “Yêu quê hương” của tác giả Hoàng Tiến Hành với nhiều hình ảnh thân quen ngày một đổi mới: “Em yêu đất Phượng anh hùng/Yêu con sông Đáy sông Hồng thiết tha/Cầu Phùng nối nhịp gần xa/Làng lên phố mới nở hoa muôn màu”…

Tập “Văn nghệ Đan Phượng 2024”.
Tập “Văn nghệ Đan Phượng 2024”.

Bên cạnh những tác phẩm thơ, “Văn nghệ Đan Phượng 2024” còn có những tác phẩm văn xuôi và tùy bút. Nội dung nổi bật trong mục này là bài viết về hình tượng rồng phun nước ở đình Phương Mạc, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng.

Hay món cháo se nổi tiếng ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng là “một món ăn ít nhiều lạ mắt, lạ tai, lạ miệng này góp phần tạo nên một nét riêng thú vị về ẩm thực trong lịch sử văn hóa truyền thống của làng tôi” được tác giả Lê Hữu Tỉnh - Hội Nhà văn Hà Nội viết trong bài “Lạ lùng món cháo ăn bằng đũa”…

“Chúng tôi rất vui mừng vì trong tập sách này có sự tham gia của một số tác giả mới trong và ngoài huyện. Nhiều mảng đề tài mới, nhiều tác phẩm hay và có sự tìm tòi, khai thác, thể hiện các góc cạnh của cuộc sống. Với những góc nhìn phong phú, đa dạng hy vọng “Văn nghệ Đan Phượng 2024” sẽ đem đến cho bạn đọc những cảm nhận mới sâu sắc hơn về cuộc sống, về quê hương, đất nước” - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên chia sẻ.

 

Tập “Văn nghệ Đan Phượng 2024” có sự tham gia của 118 tác giả thuộc các hội chuyên ngành như Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và đông đảo tác giả của các Câu lạc bộ thơ văn huyện Đan Phượng, Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ Xứ Đoài, cán bộ chủ chốt của huyện. Cuốn sách gồm 193 tác phẩm, trong đó thơ có 157 bài, văn xuôi có 5 bài, thư pháp có 9 bài, nhạc có 13 bài và 9 ảnh minh họa.